Thái Nguyên trên đường đổi mới
Một góc đô thị Thái Nguyên nhìn từ trên cao

Thập niên 80 của thế kỷ XX, trước tình hình thế giới thay đổi, cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa bộc lộ những yếu kém, đòi hỏi phải đổi mới. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã tạo nên bước chuyển lịch sử cho cả đất nước.

Trong dòng chảy thời đại, đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn, từ ngày 15 đến ngày 17/7/1987, hội nghị Tỉnh ủy đã họp bàn và quyết định 3 nội dung lớn, gồm: Một số chính sách về phân phối lưu thông; Đổi mới một bước về cơ chế quản lý và chỉ đạo sản xuất kinh doanh và tổ chức chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất.

Đồng chí Nguyễn Ngô Hai, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái – Thái Nguyên kể lại: “Mừng đổi mới để phát triển, đó là tư tưởng của Trung ương Đảng xác định. Nhưng lo là vấn đề rất mới, chúng ta đã sống trong một thời gian dài của chế độ bao cấp, không ngày một, ngày hai mà thay đổi được ngay. Cái khó là ở chính mình là chính, sao cho nắm bắt tốt chủ trương của Trung ương”.

Sau 31 năm hợp nhất với Bắc Kạn, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV xác định những nhiệm vụ có tính chất mở đầu sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hoa.

Trong giai đoạn 1991–1996, tỉnh đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới để bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến giai đoạn từ 1997- 2015, sau hơn 24 năm tái lập tỉnh, trải qua 5 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ khóa XV đến khóa XIX), Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, một số lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc.

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng: “Ngân sách tăng tỷ trọng đầu tư cho quy hoạch, rồi Trung ương hỗ trợ nên chúng ta bỏ hằng trăm tỷ làm quy hoạch nên chúng ta mới có khu du lịch Hồ núi Cốc, quy hoạch ATK của 3 tỉnh trong đó Thái Nguyên là nòng cốt”.

Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là tác động do suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19; 19/19 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, nhiều chỉ tiêu mang tính bứt phá và đứng trong tốp đầu các tỉnh trung du, miền núi Phía Bắc.

Thắng lợi của nhiệm kỳ 2015-2020, thành công từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, và những thành tựu trong chặng đường cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên bước vào nhiệm kỳ mới.

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội được giữ vững; các chỉ số về cải cách hành chính tiếp tục thăng hạng, duy trì. Thái Nguyên hiện là số ít các tỉnh giữ vững được “vùng xanh” trong phòng, chống dịch bệnh. Các chương trình, đề án, dự án, nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ được thực hiện hiệu quả, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng, ban hành và cụ thể hóa Nghị quyết số 01 về chuyển đổi số.

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Nghị quyết ban hành tính đến thời điểm này đã được 9 tháng. Có thể nói nghị quyết đã tạo nên một làn gió mới trong toàn đảng bộ. Chuyển đổi số đã tạo nên những thuận lợi cho Thái Nguyên trên 3 trụ cột là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số”.

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhận định: “So với các tỉnh thành khác thì kinh tế của Thái Nguyên trước kia chưa phải phát triển lắm nhưng bây giờ đã có thứ hạng. Thái Nguyên cũng trở thành điểm đên hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư làm thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà”.

190 năm là chặng đường nhiều cam go, thử thách, nhưng cũng rất vinh quang và tự hào. Niềm tự hào ấy của lớp lớp các thế hệ đã và đang bồi đắp niềm tin, nhân lên bản lĩnh và trí tuệ, để mỗi người con của mảnh đất cách mạng quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.