Thái Nguyên thành phố tháng 10
Cầu Bến Tượng, thành phố Thái Nguyên

Do có vị trí trọng yếu về mặt địa lý, xưa Thái Nguyên được coi là phên dậu thứ 2 về phương Bắc. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân Thái Nguyên đã viết nên biết bao trang sử hào hùng. Đó là: Cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên cách nay hơn 100 năm ghi danh người anh hùng Lương Ngọc Quyến - Đội Cấn, để làm nên một cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất; thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành chính quyền với nhiều địa danh lịch sử đến nay vẫn hiện hữu giữa lòng thành phố. Lịch sử sẽ mãi nhắc nhớ sự hy sinh anh dũng của 15 chiến sỹ Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ vào ngày 17/10/1965 khi bảo vệ cầu Gia Bảy giữa bom đạn của kẻ thù; đêm Noel màu lửa 1972 và 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ; Ký ức dù đau thương nhưng rất đỗi tự hào, đó là hành trang để Thái Nguyên - Thành phố Anh hùng vững bước trên những chặng đường mới.

GS Sử học Lê Văn Lan: "Thái Nguyên may mắn là có một hạt nhân đô thị đó là thành phố Thái Nguyên bây giờ, sứ mạng của nó chính là đô thị hóa toàn tỉnh Thái Nguyên để tạo ra bước chuyển không chỉ là về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, mà cả về bước chuyển hình thái KT-XH".

Thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc xưa, nơi ra đời khu công nghiệp gang thép đầu tiên của đất nước; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nay; trải qua biến thiên của thời gian, thành phố dù không còn nhiều những không gian cổ kính, song cũng mang trong mình đủ chiều dài lịch sử, đủ nét đặc sắc từ quy hoạch đến kiến trúc, cảnh quan để có thể trở thành một đô thị đáng sống, một điểm đến tự hào của người Thái Nguyên.

Thái Nguyên thành phố tháng 10
Thành phố Thái Nguyên mang trong mình nhịp sống sôi động của một đô thị phát triển, xứng tầm vị thế đầu tầu dẫn dắt sự phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên thành phố tháng 10

Ông Chu Ngọc An, Bí thư Chi bộ 3, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên tự hào: "Thành phố Thái Nguyên của chúng ta đẹp như một dải lụa vắt ngang qua sông Cầu, những con đường, cây cầu, những tòa nhà cao ốc... mang tầm cỡ quốc gia, đã khoác lên cho thành phố một diện mạo mới, đô thị văn minh, hiện đại".

Nhìn lại lịch sử 60 năm qua, từ bản quy hoạch thành phố đầu tiên được phê duyệt từ đầu những năm 90 đến nay, có thể thấy rất rõ sự phát triển rực rỡ của thành phố Thái Nguyên. Ngày hôm nay, dấu ấn của thành phố bên sông, thành phố với cây cầu Gia Bảy và nhiều địa danh đã đi vào lịch sử oai hùng vẫn còn đó. Nhưng không thể không cảm nhận và thán phục trước vóc dáng của một đô thị mở đầy sôi động, và một đô thị thông minh trong tương lai không xa.

Ông Nguyễn Ngọc Yến, Nguyên Bí thư Thành uỷ Thái Nguyên giai đoạn 1985-1991 nhận xét: "Qua các thế hệ cán bộ nối tiếp nhau đã thực hiện quy hoạch, xây dựng giao thông, nhà cửa... tôi thấy phát triển gấp nhiều lần thời bao cấp".

Từ dấu mốc 19/10/1962, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thành phố Thái Nguyên, đã trải qua rất nhiều những giai đoạn phát triển, lúc thăng lúc trầm, song ẩn sâu trong hành trình đó là sự quyết tâm, đồng lòng tất cả vì sự phát triển của thành phố. Một giai đoạn mới đang mở ra với những mục tiêu, khát vọng và tầm nhìn mới, xây dựng Thành phố Thái Nguyên phát triển thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại và bền vững./.