Thái Nguyên: Tăng 4 bậc, xếp thứ 8/63 địa phương cả nước về Chỉ số Chuyển đổi số
Thái Nguyên xếp thứ 8/63 địa phương cả nước về chỉ số Chuyển đổi số


Năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là lần thứ 2 Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xác định và công bố Bộ chỉ số DTI. Nếu như năm 2020, chỉ số DTI đánh giá bằng tổng điểm của 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số thì năm 2021, DTI được xác định dựa trên tổng điểm của 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Về cơ sở đánh giá, khác với các chỉ số PCI và DDCI khảo sát ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, chỉ số PAR index, PAPI, SIPAS lấy ý kiến từ phía người dân, chỉ số DTI thu thập đánh giá từ 4 nguồn: 1 là địa phương tự chấm điểm, 2 là Bộ TT&TT chấm điểm, 3 là chuyên gia chấm điểm, 4 là đánh giá trên không gian mạng. Nghĩa là chỉ số DTI cho thấy bức tranh cả chủ quan, khách quan, đánh giá độc lập của chuyên gia và một phần quan trọng, phong phú từ không tin trên không gian mạng.

Chỉ số DTI năm 2021 nhóm các địa phương được cấu thành từ 09 chỉ số chính, 9 chỉ số này lại được phân chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 được gọi là nhóm nền tảng chung, gồm 6 chỉ số: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh. Nhóm 2 là nhóm chỉ số về hoạt động, gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số. Với cách phân chia này có thể thấy, chỉ số DTI đánh giá một cách toàn diện các lĩnh vực, từ 3 trụ cột cho tới các chủ trương, giải pháp, nguồn nhân lực, hạ tầng và an toàn thông tin đến việc triển khai đô thị thông minh.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi chỉ đề xuất và đưa ra chỉ tiêu là hết năm 2025 chúng ta lọt vào top 15, đến 2030 chúng ta lọt vào top 10, nhưng đến thời điểm này, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01 chúng ta được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá lọt vào top 10. Đây là sự tiến bộ vượt bậc”.

Thái Nguyên: Tăng 4 bậc, xếp thứ 8/63 địa phương cả nước về Chỉ số Chuyển đổi số
Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Thái Nguyên

Đi sâu hơn vào nhóm nền tảng chung, báo cáo DTI 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận Thái Nguyên có nhiều chỉ số xếp hạng cao như: nhận thức số (xếp thứ 2), nhận thức số, chỉ số thành phần xếp hạng cao nhất bởi công cuộc chuyển đổi số đã lan tỏa trong toàn xã hội, là chương trình hành động quan trọng nhất ở tất cả các cấp; nhân lực số (xếp thứ 5) khi Thái Nguyên là một trong ba trung tâm giáo dục đào tạo lớn nhất cả nước; an toàn thông tin mạng (xếp thứ 9) thể hiện chiến lược, tầm nhìn coi trọng an ninh thông tin để vận hành công cuộc Chuyển đổi số.

Ở nhóm chỉ số hoạt động hay còn gọi là nhóm trụ cột, kết quả xếp hạng chỉ ra: Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành về chính quyền số, giảm 6 bậc vì năm 2020 xếp thứ 3 toàn quốc; Thái Nguyên thứ 5 cả nước về về kinh tế số. Trong 3 trụ cột thì kinh tế số xếp cao nhất năm 2021, và mức tăng là 14 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng mạnh nhất là ở lĩnh vực thứ 3: trụ cột xã hội số khi Thái Nguyên xếp thứ 8 nhưng tăng đến 29 bậc so với năm 2020.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thái Nguyên là một trong những địa phương hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ nhất. Và đã được cụ thể bằng cam kết chính trị mạnh mẽ qua Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX. Ngày 31/12/2020, ngày ban hành nghị quyết sau đó được lấy là ngày Chuyển đổi số hàng năm đã ghi nhận một năm 2020 với nhiều dấu ấn của trụ cột Chính quyền số. Logic của việc giảm điểm chính quyền số và tăng điểm của kinh tế số và xã hội số năm 2021 có thể được lý giải như sau: Năm 2020, hệ thống chính trị và chính quyền Thái Nguyên là lực lượng gương mẫu đi đầu, đồng loạt vào cuộc, ban hành Chỉ thị, kế hoạch và giải pháp triển khai Chuyển đổi số. Hành động của chính quyền tạo ra sự lan tỏa mang yếu tố nền tảng cho toàn xã hội để năm 2021, kinh tế số và xã hội số ghi nhận được tăng trưởng mạnh mẽ.

Kinh tế số được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội số được người dân hưởng ứng và sử dụng. Quá trình lan tỏa này được chứng minh hiệu quả ở chỉ số DTI năm 2021 khi Kinh tế số đứng thứ 5 toàn quốc (chỉ sau: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc), còn Xã hội số tăng tới 29 bậc, xếp thứ 8 (sau: 4 địa phương vừa kể trên và 3 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Ước tính tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã vượt 10 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có trên 320 doanh nghiệp công nghệ số, hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hộ kinh doanh lên sàn với hàng chục nghìn giao dịch điện tử.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhận xét: “Chuyển đổi số đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là cán bộ công chức, đã hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Thông qua đó, hiện nay bản thân các doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh rất tốt”.

Bà Đỗ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan chia sẻ: “Khi doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số tôi thấy giảm tải được nhân sự làm việc, giảm thao tác công việc rất nhiều, thuận tiện cho khách hàng,... Trong vận tải hành khách chúng tôi có App đặt xe cho khách, App điều xe đối với lái xe, và hợp đồng điện tử rất thuận tiện”.

Trong bản báo cáo DTI năm 2021, ứng dụng xã hội số ThainguyenID là một trong số thực tiễn sinh động về Chuyển đổi số ở các địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao, với những con số ấn tượng như sau:

Ứng dụng Thái Nguyên ID đạt trên 62 nghìn lượt cài đặt. thành lập trên 2.200 Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ triển khai nền tảng số và hướng dẫn người dân tham gia; thu thập và số hóa trên 2 vạn hồ sơ học sinh sinh viên, tiếp cận 80 Doanh nghiệp với trên 50.000 lao động và cung cấp các thông tin về dịch vụ việc làm, nhà ở, dịch vụ công trực tuyến…

Nền hành chính được số hóa với mạng số liệu chuyên dùng kết nối thông suốt đến 100% xã phường; các ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, C-Thái Nguyên, Trung tâm điều hành thông minh IOC cấp tỉnh và 3 thành phố, cơ sở dữ liệu về dân cư đạt 92,2% là những dấu ấn nổi bật.

Thái Nguyên: Tăng 4 bậc, xếp thứ 8/63 địa phương cả nước về Chỉ số Chuyển đổi số
Hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hộ kinh doanh lên sàn với hàng chục nghìn giao dịch điện tử

Chị Hoàng Thị Diễm, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên nhận xét về việc cài đặt ứng dụng: “Rất đơn giản, chỉ cần đăng nhập tài khoản, đăng ký, rồi làm theo hướng dẫn trên cổng đó”.

Kinh tế số và Xã hội số là hai trụ cột mục tiêu của quá trình chuyển đổi số mà Thái Nguyên triển khai, với mục tiêu quan trọng nhất người dân và doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số. Có thể thấy với kết quả mới được công bố này, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 01 về chương trình Chuyển đổi số đề ra, đó là đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Với nhiều cách làm mới sáng tạo, Thái Nguyên đã tạo ra bước đột phá, ghi dấu ấn mạnh mẽ khi cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ mới là Chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với việc ứng dụng ThainguyenID được coi là 1 trong 12 câu chuyện Chuyển đổi số tiêu biểu toàn quốc, từ đó dẫn đến điểm số trụ cột Xã hội số tăng tới 29 bậc cho thấy, muốn cải thiện và tăng điểm, phấn đấu xếp thứ hạng cao hơn ở top 5 hay top 3 toàn quốc; ở mỗi lĩnh vực của chỉ số DTI, ở mỗi chỉ số trong 9 chỉ số thành phần, cần xây dựng những việc làm cụ thể, câu chuyện sinh động, thực tiễn tốt như ứng dụng công dân số ThainguyenID./.