Thái Nguyên sẽ là trung tâm chuyển đổi số của khu vực miền núi phía Bắc
Những sản phẩm, dịch vụ phát triển nở rộ đang đóng góp cho quá trình chuyển đổi số.

Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hiện thực và cụ thể hóa hơn nữa thông điệp "Make in Vietnam". Đây là slogan được tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Thuật ngữ này nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Nhờ “Make in Vietnam”, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị tự sản xuất. Cũng nhờ có tinh thần này, Việt Nam đã chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng Bluezone - góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19.

Cũng từ đây, những sản phẩm, dịch vụ như phần mềm họp trực tuyến Zavi, Comeet, phần mềm biến giọng nói thành văn bản Vais, công nghệ chuỗi khối akaChain, nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot akaBot, nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee... xuất hiện và đóng góp cho quá trình chuyển đổi số.

Việt Nam giờ đây đã có tới 4 nền tảng mạng xã hội trên 1 triệu thành viên. Trong đó, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng, tiếp theo sau là Mocha, Gapo, Lotus.

Trước đây, chúng ta không kiểm soát được cuộc chơi và hoàn toàn bị phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, phải mua dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự nổi lên của các mạng xã hội trong nước sẽ giúp Việt Nam làm chủ về công nghệ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực.

Ngày 14/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là định hướng mới đưa tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm công nghiệp điện tử công nghệ cao của khu vực chứ không chỉ của Việt Nam.

Một số doanh nghiệp như: Viettel, MobiFone, VNPT, Hanoi Telecom... cũng đã cam kết giúp miễn phí cho Thái Nguyên thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 4 xã miền núi đặc biệt khó khăn (gồm: xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên); xã La Bằng (huyện Đại Từ); xã Bình Thành (huyện Định Hóa); xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai).

Thái Nguyên sẽ là trung tâm chuyển đổi số của khu vực miền núi phía Bắc
Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Ngày 31/12/2020, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên đã có cuộc trao với Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông trong clip ngay dưới bài viết sẽ cho quý vị và các bạn rõ hơn về chương trình này. Mời quý vị và các bạn quan tâm theo dõi !