“Thái Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch trong tình hình mới”
Toàn bộ hơn 600 học sinh ở 16 lớp học của Trường THCS Thắng Lợi, thành phố Sông Công đều chuyển sang học một buổi sáng

Trong tuần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên điều chỉnh các biện pháp phòng dịch về trạng thái bình thường mới, các địa phương đã chỉ đạo các nhà trường điều chỉnh phương án dạy và học, kế hoạch tổ chức ăn bán trú phù hợp điều kiện thực tế. Tại Trường THCS Thắng Lợi, thành phố Sông Công, nếu như những tuần học trước, nhà trường tổ chức học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, chia ca chia khối lớp để đảm bảo số lượng học sinh không tập trung quá đông, thì trong tuần qua, toàn bộ hơn 600 học sinh ở 16 lớp học của trường đều chuyển sang học buổi sáng, từ đó đã tạo thuận lợi cho công tác tổ chức dạy và học.

Cô giáo Hà Thị Thùy, Trường THCS Thắng Lợi, thành phố Sông Công chia sẻ: "Khi được dạy trực tiếp sẽ nắm bắt được tâm lý, hành động cảu học sinh và được kiểm tra sát với học sinh rất nhiều".

Còn đối với các trường tiểu học, các em học sinh được học trực tiếp trên lớp cả ngày thay vì phải học một buổi và học tại nhà trên các video cô giáo gửi.

Chị Đỗ Thị Hường, phường Cải Đan, TP Sông Công tâm sự: "Về nhà chủ yếu xem các con hôm nay học cái gì thôi, còn hầu như bài tập trên lớp các con đã làm hết rồi nên bố mẹ nhàn đi rất nhiều".

Song song với công tác dạy học, các trường đã cũng tích cực chuẩn bị các phương án tổ chức ăn bán trú nhằm đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Phạm Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cải Đan, thành phố Sông Công cho biết: "Đối với các khối lớp nhỏ để đảm bảo phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, chúng tôi cho ăn tại nhà ăn nhưng đảm bảo khoảng cách".

Điều chỉnh linh hoạt việc dạy và học theo điều kiện thực tế của từng địa phương là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, dù tổ chức theo hình thức nào thì công tác phòng chống dịch vẫn được các nhà trường đặt lên hàng đầu.

Ông Vương Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ thông tin: "Lúc đến, lúc về đều phân ca. Giờ ra chơi hạn chế các em tập trung đông người. Nhà trường có hệ thống Camera và quản sinh giám sát tốt việc phòng chống dịch bệnh".

Không chỉ các cơ sở giáo dục, các trung tâm đào tạo kiến thức, giáo dục kỹ năng, thể dục thể thao được hoạt động trở lại đồng nghĩa với việc đời sống kinh tế, xã hội của người dân sẽ hồi phục. Sau nhiều ngày đóng cửa do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm ôn luyện văn hóa chất lượng cao Đồng Huyền, thành phố Thái Nguyên đón học sinh trở lại học tập bắt đầu từ cuối tuần này. Công tác đảm bảo an toàn cho phụ huynh và học sinh được Trung tâm chuẩn bị chu đáo.

Bà Bùi Thị Thúy Ngân, Quản lý Trung tâm ôn luyện văn hóa chất lượng cao Đồng Huyền, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi duy trì 20-25 cháu để đảm bảo giãn cách. Khi đến chúng tôi cho các cháu rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ".

Cũng theo quy định mới được ban hành, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới (trừ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè, xông hơi, massage, karaoke, quán bar, vũ trường). Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ: khu, điểm du lịch, sinh thái, danh thắng; dịch vụ spa, chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, gội đầu; phòng tập golf 3D, sân tập golf chỉ phục vụ khách cư trú thường xuyên trong tỉnh. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh vẫn phải được chú trọng thực hiện.

6h45 phút tại sân bóng nhân tạo Z159 trong ngày đầu trở lại trạng thái bình thường mới... Sau quãng thời gian dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch, CLB bóng đá TAT đã trở lại hoạt động… Theo ghi nhận, mặc dù chưa có nhiều học viên quay trở lại tập luyện nhưng việc CLB được hoạt động trở lại đã mang đến niềm vui với cả thầy và trò.

“Thái Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch trong tình hình mới”
CLB bóng đá TAT kiểm tra thân nhiệt trước khi tập luyện

Em Nguyễn Gia Bảo, CLB Bóng đá TAT Thái Nguyên: "Cháu cảm thấy tập luyện thể thao giúp việc học tập tốt, nâng cao sức khỏe để chống dịch Covid-19".

Anh Trường Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB Bóng đá TAT Thái Nguyên: "Mặc dù khó khăn về học viên, về sân bãi nhưng thầy trò chúng tôi vẫn tích cực ra sân tập luyện".

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch chịu những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với việc mở cửa đón khách trở lại cũng đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các đơn vị, giúp người lao động có việc làm và ổn định cuộc sống. Dù mở cửa hoạt động trở lại ở hình thức nào thì mỗi người dân cần luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: "Chúng tôi đã chỉ đạo, thứ nhất phải rà soát lại toàn bộ không gian cảnh quan để tiếp tục đón khách; thứ hai phải đảm bảo tuân thủ mỗi thời điểm tối đa chỉ 50 người".

Còn tại các doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch được chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế có vai trò quyết định sự thành công của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, chính vì vậy, để hạn chế tối đa việc đứt gãy chuỗi sản xuất, các đơn vị vẫn chủ động và kiên trì việc thực hiện "mục tiêu kép" - vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Ông Miao Cheng Xiang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar cho biết: "Để đảm bảo công tác phòng chống dịch chúng tôi thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt tại nơi ra vào của công ty. Chúng tôi hy vọng toàn bộ người lao động của công ty sẽ được tiêm vắc xin để có một môi trường sản xuất an toàn nhất trong thời gian tới".

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam: "Hiện nay, bên cạnh việc khử trùng tất cả các khu vực trong nhà máy, đảm bảo giãn cách an toàn giữa các nhân viên, chúng tôi vẫn gia tăng số lượng nhân viên lưu trú làm việc tại nhà máy để đảm bảo an toàn trong sản xuất, hoàn thành các mục tiêu".

Cùng với các loại hình kinh tế khác, việc điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới còn tạo điều kiện thuận lợi đối với người và phương tiện ra - vào tỉnh qua các chốt kiểm soát liên ngành.

Theo đó, nhiều quy định trong quản lý phương tiện và người ra vào tỉnh đã được nới lỏng, số lượng chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh được cắt giảm nhằm đảm bảo thuận lợi trong di chuyển, thông thương cho người dân. Để khắc phục tình trạng ùn tắc tại một số chốt kiểm soát ra - vào tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt sử dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu thông tin, kiểm soát người ra vào địa phương. Đồng thời thực hiện phân luồng giao thông hợp lý tại các chốt kiểm soát, cũng như kiểm soát chặt chẽ và kịp thời phát hiện các trường hợp người và phương tiện tránh chốt…

Tại chốt kiểm soát dịch nút giao Yên Bình, lưu lượng phương tiện di chuyển qua chốt trong tuần qua đã tăng lên so với những ngày trước đó, tuy nhiên, các lực lượng liên ngành tại chốt đã thực hiện phân luồng giao thông theo từng loại phương tiện khác nhau, tình trạng ùn tắc tại chốt theo đó đã không xảy ra.

Trung úy Nguyễn hà Thành, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thị xã Phổ Yên thông tin: "Chốt kiểm dịch Yên Bình đã bố trí phân luồng làm hai hướng, một hướng ưu tiên các phương tiện vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu có đăng ký giấy luồng xanh để dễ kiểm soát, luồng thứ hai là phương tiện ô tô con, xe cá nhân".

Ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Với nhiệm vụ hỗ trợ, chúng tôi đã triển khai ngay xuống các chốt tại các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, thực hiện nhiệm vụ giải tỏa".

Còn tại chốt kiểm dịch liên ngành Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, lưu lượng phương tiện ra - vào tại chốt cũng tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng và người dân đã chấp hành nghiêm các quy định.

Anh Đặng Lê Hoàn, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên: "Văn bản quy định của tỉnh tôi thấy rất thuận lợi cho chúng tôi, hợp tình, hợp lý. Chúng tôi hoan nghênh chủ trương của tỉnh".

Trung tá Nguyễn Ngọc Dĩnh, Phó trưởng Công an phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên: "Chúng tôi căn cứ vào các vùng hiện nay đang có dịch để phân loại, xác định người nào được vào, người nào không được vào, và khi vào chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với y tế ở các cơ sở địa phương để có biện pháp quản lý tiếp".

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, trong tuần qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã cho khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô từ tỉnh Thái Nguyên đi - đến một số tỉnh thuộc vùng xanh theo thông báo của Bộ Y tế và ngược lại, bao gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hà Giang. Tuy nhiên, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh. Như vậy đến nay, tỉnh vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi, đến 47 tỉnh, thành phố; đồng thời tạm dừng đi và đến một số địa phương đối với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định...

Trước yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành các văn bản điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế vẫn cần phải được thực hiện.

“Thái Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch trong tình hình mới”
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch

Cụ thể, đối với người từ vùng xanh hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên của đơn vị có thẩm quyền trong vòng 72 giờ trước khi vào Thái Nguyên. Trong đó có các quy định đối với cả người dân và những trường hợp thực thi công vụ từ các tỉnh đến Thái Nguyên, hoặc các trường hợp đi thực thi công vụ ngoài tỉnh và sau khi trở về tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, việc khai báo y tế, tổ chức cách ly đối với các trường hợp đến và trở về từ vùng có dịch hoặc vùng dịch tiếp tục được thực hiện theo quy định. Ngay trong tuần đầu tiên thực hiện chủ trương mới này, tại các địa phương của tỉnh, số lượng người dân đến và trở về tỉnh đã tăng lên. Ngành Y tế đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện hướng dẫn người dân khai báo y tế và tổ chức cách ly kịp thời, đảm bảo an toàn.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Liệu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên thông tin: "Sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai đến các Trạm Y tế xã, phường để khi có người dân trở về từ các vùng thì sẽ áp dụng cập nhật trên trang web của Bộ Y tế để có phương án cách ly phù hợp".

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên cho biết thêm: "Trường hợp nào thuộc diện cách ly tại nhà hay cách ly tập trung chúng tôi báo cáo lên Trung tâm Y tế; trường hợp nào theo dõi sức khỏe hoặc các biện pháp khác thì chúng tôi hướng dẫn người dân rất cụ thể".

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tại một số tỉnh, thành phố tiếp tục xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ngay trong ngày 2/10, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả các trường hợp ra - vào tỉnh, đặc biệt là người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nam và TP Hà Nội vào tỉnh Thái Nguyên. Trong đó tuyên truyền, vận động người dân từ địa phương, khu vực nêu trên không tự ý di chuyển về quê; trường hợp muốn trở về tỉnh Thái Nguyên phải liên hệ với chính quyền địa phương nơi đang cư trú/lưu trú và thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch…

Chủ trương điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới của tỉnh Thái Nguyên là kịp thời, đúng đắn; thể hiện những nỗ lực, linh hoạt trong công tác điều hành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên điều chỉnh thế nào, linh hoạt đến đâu, thực hiện theo biện pháp gì thì vẫn cần sự hỗ trợ, chung tay của người dân trong công tác phòng chống dịch. Cùng với vắc xin phòng Covid-19, vắc xin mang tên “ý thức” sẽ là những tấm áo giáp giúp người dân và cả cộng đồng an toàn trước dịch. Có như vậy, mới có thể thực hiện được mục tiêu Thái Nguyên cùng cả nước chung tay, đẩy lùi, chiến thắng đại dịch Covid-19.