Trở lại xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình vào những ngày cuối cùng của năm 2016, một tín hiệu vui đối với làng quê còn nhiều khó khăn này. Bởi lẽ, nếu như trước đây, thu nhập của đa số các hộ chăn nuôi trong xóm khá bấp bênh, thì giờ đây, tất cả đã khác xưa rất nhiều. Đơn cử, như hộ chăn nuôi của anh Đồng Văn Vang. Nếu như những năm về trước, gia đình Anh gần không có sự chủ động đối với việc phòng chống dịch bệnh do diễn biến bất thường của thời tiết, cũng như giá các loại vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, thì 3 năm trở lại đây, gia đình anh Vang và các hộ chăn nuôi xóm Ngò đã chú trọng hơn công tác phòng, chống dịch, chính vì vậy, lứa bán cũng như xuất chuồng của các hộ được đều hơn, sản lượng cao hơn.

Anh Vang nói “Qua nhiều năm chăn nuôi, bản thân tôi và gia đình đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, để chăn nuôi có hiệu quả thì lợn giống phải được mua tại các cơ sở cung cấp giống có uy tín, con giống phải được tuyển chọn kỹ càng...Trong quá trình chăm sóc, phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sử dụng thức ăn chăn nuôi. Có như vậy, sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao".

thai nguyen phat trien chan nuoi theo huong ben vung
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tuân thủ các yếu tố về VSATTP trong chăn nuôi sẽ giúp người chăn nuôi có chỗ đứng trên thị trường

Cũng giống như gia đình anh Vang, gia đình ông Nguyễn Văn Bái ở xóm Ngò lại có bí quyết chăn nuôi khá độc đáo. Ông chia sẻ, “Trong chăn nuôi, tôi đặc biệt chú trọng vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, giữ nhiệt độ chuồng không quá nóng vào mùa hè, không quá lạnh vào mùa đông, đảm bảo cho đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt, để xử lý lượng phân thải ra mỗi ngày, tôi đã sử dụng chế phẩm sinh học E-M do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên cung cấp. Nhờ đó, mùi hôi thối giảm đi rất nhiều; hơn nữa còn tận dụng làm phân bón hữu cơ…”

Thái Nguyên là một trong những tỉnh trong cả nước có số lượng trang trại chăn nuôi lớn với nhiều trang trại quy mô trên 16 nghìn con gà/lứa; 4.000 con lợn thịt. Các trang trại tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.X Sông Công. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 750 trang trại chăn nuôi. Tăng 300 trang trại so với năm 2013. Sự phát triển đột biến trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đặt ra nhiều vấn đề bức thiết như môi trường, phòng dịch và đầu ra thị trường sản phẩm.

thai nguyen phat trien chan nuoi theo huong ben vung
Để đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh TĂCN nhằm kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này

Ông Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết “Thực hiện các chương trình, dự án về chăn nuôi; Trạm Chăn nuôi và Thú y Phổ Yên đã và đang chủ động nguồn con giống tốt, an toàn dịch bệnh; tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao khả năng sinh sản của đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là chú trọng đến số lượng và quy mô chăn nuôi lợn siêu nạc và gia cầm; khuyến khích phát triển chăn nuôi ở những vùng ngoại thành còn nhiều quỹ đất để dần xóa bỏ chăn nuôi trong vùng nội thành; di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư… Cùng với đó, thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn và xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.

Với mục tiêu đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, đảm bảo an toàn phát triển bền vững, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2016, uớc tổng doanh thu loại hình ngành sản xuất chăn nuôi của tỉnh đạt trên 5.200 tỷ tăng trên 9 % so với năm 2015; doanh thu bình quân của mỗi trang trại là gần 3 tỷ đồng. Nhóm trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa bình quân cao từ 4-5 tỷ đồng chủ yếu là các trang trại gia công. Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hiện đang phát triển ổn định. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của các chủ trang trại còn hạn chế; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. các địa phương chưa có quy hoạch vùng nhằm quản lý chặt chẽ dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái.

thai nguyen phat trien chan nuoi theo huong ben vung
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng tiến bộ KHCN về giống và kỹ thuật, chế biến, bảo quản sản phẩm đang là hướng đi của ngành chăn nuôi Thái Nguyên

"Năm 2017, ngành chăn nuôi Thái Nguyên sẽ chú trọng phát triển theo hướng nâng cao giá trị, phát triển chiều sâu, tỉnh sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi gắn liền với hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực tổ chức quản lý cho các chủ trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp bền vững…Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, hạ giá thành, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm…” – Ông Phạm Ngọc Quán, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên khẳng định./.