Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Thái Nguyên đứng vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và 2 lần Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc tại Thái Nguyên. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, góp phần tiến tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 8,59%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 15.267,9 tỷ đồng, tăng 4,14% so cùng kỳ.

Thu ngân sách năm ước đạt 18.540 tỷ đồng, bằng 127,4% so với dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 103% dự toán HĐND tỉnh giao.

Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 16.519 tỷ đồng,

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 59,44 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2022, tỉnh Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 107 triệu đồng.

Công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tỉnh Thái Nguyên quyết liệt triển khai thực hiện, đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua.

Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Lễ khởi công Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 tại TP. Phổ Yên, động thổ Cụm công nghiệp Lương Sơn tại TP. Sông Công

Về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tháng 11/2022 đã diễn ra lễ khởi công Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 tại TP. Phổ Yên, động thổ Cụm công nghiệp Lương Sơn tại TP. Sông Công, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước đó, vào tháng 5, tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đã được khởi công xây dựng. Đây là dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tuyến đường Sông Công - Núi Cốc đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ đem lại lợi ích đột phá về hạ tầng giao thông, tạo động lực cho sự phát triển.

Chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa Thái Nguyên lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Đối với việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên được chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm và đạt được các kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều đoàn công tác thăm, làm việc mới một số doanh nghiệp nhằm động viên các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Nguyên năm 2022.

Việc tổ chức đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp được quan tâm.

Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Việc tổ chức đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp được quan tâm
Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượt đoàn đông người và số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết giảm; không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về khiếu nại, tố cáo.

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, công tác bảo vệ trẻ em, chăm lo cho người có công, thân nhân người có công cũng được quan tâm, chú trọng.

Trên lĩnh vực y tế, công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được ngành Y tế đảm bảo đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị. Công tác triển khai tiêm phòng Covid-19 được đẩy nhanh và đạt được tỉ lệ cao.

Năm 2022, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, giảm so với năm 2021. Lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo phá án quyết liệt và khen thưởng, động viên kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Về công tác quốc phòng, an ninh, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên năm 2022; Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên và Lễ công bố Nghị quyết thành lập TP Phổ Yên.

Tổ chức thành công chương trình Đại hội TDTT tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 còn bộc lộ một số hạn chế như lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động đấu giá thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn do thị trường bất động sản ngưng trệ trong những tháng cuối năm. Còn thiếu mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã xác định mục tiêu:

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/người/năm, giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10%, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 9,5%; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.000 tỷ đồng; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm đạt 11 xã; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%.

Tỉnh Thái Nguyên đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực.

Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia của người dân, tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2023 đã đề ra./.