Thái Nguyên hoàn tất việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
Tại tỉnh Thái Nguyên, các hoạt động lấy ý kiến trong nhân dân được tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với đa dạng các hình thức.

Luật Đất đai năm 2013 đã được Quốc hội khoá 13 thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 29/11/ 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Sau gần 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII được ban hành là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013.

9 trọng tâm lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Tại tỉnh Thái Nguyên, các hoạt động lấy ý kiến trong nhân dân được tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với đa dạng các hình thức. Trong đó, các cơ quan quan trọng của tỉnh đều triển khai, như: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; cơ quan, tổ chức, sở, ban, ngành.

Tại các cấp cơ sở, kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đất đai sửa đổi được ban hành nhằm cụ thể đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến. Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn. Với phương châm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hoạt động lấy ý kiến nhân dân được thực hiện đa dạng với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân đều được tham gia góp ý. Theo kết quả tổng hợp, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức trên 2.900 hội nghị, hội thảo với trên 32.000 lượt ý kiến góp ý của 30 tổ chức, cá nhân.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây và tiếp tục được bàn thảo trong các kỳ hợp tiếp theo. Nếu như các nội dung đạt được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu, thì dự kiến, Quốc hội sẽ họp thông qua Luật Đất đai 2023 vào tháng 10 năm sau./.