Thái Nguyên: Đột phá phát triển thương mại giai đoạn 2016-2020
Dự án Trung tâm Thương mại Vincom đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn thành phố Thái Nguyên

Xác định dịch vụ, thương mại tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, thành phố Thái Nguyên đã tích cực thu hút đầu tư và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển thương mại. Trong đó có việc tập trung mở rộng hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Điển hình trong đó là dự án Trung tâm Thương mại Vincom, không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn mang đến cho người dân nơi đây những trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực mới, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn thành phố.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên cho biết: “Thành phố đã quy hoạch, rà soát toàn bộ quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn. Khi có quy hoạch sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đây sẽ là một chuỗi liên kết, cung ứng những sản phẩm của người nông dân sản xuất đầu tiên trong chuỗi liên kết cung ứng cho các siêu thị lớn ở các vùng trung tâm.”

Thái Nguyên: Đột phá phát triển thương mại giai đoạn 2016-2020
Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đã nâng cao chất lượng sống cho người dân

Với mục tiêu phát triển thương mại nhiều thành phần, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ, tổ chức lại thị trường nội địa theo hướng văn minh, hiện đại và mở rộng thị trường nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng như: Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020… Các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực công thương, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường cũng như công tác xúc tiến đầu tư, đối thoại, gặp gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được triển khai.

Đề cập về nhiệm vụ của đơn vị trong thực hiện chương trình này, ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tốt với sở Công thương, sở Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan để triển khai chương trình tạo lập, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ. Qua đó các sản phẩm đều được nâng cao về chất lượng cũng như giá trị.”

Thái Nguyên: Đột phá phát triển thương mại giai đoạn 2016-2020
Toàn tỉnh hiện có 140 chợ đang hoạt động có trong quy hoạch

Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực thương mại của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 57% đã góp phần thay đổi kết cấu, hạ tầng, quy mô và chất lượng thương mại trên địa bàn. Điển nhấn quan trọng trong phát triển thương mại của Thái Nguyên đó là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 dự án trung tâm thương mại được cấp phép đầu tư, trong đó có 6 Trung tâm thương mại đang hoạt động; 140 chợ đang hoạt động có trong quy hoạch. Tỉnh cũng tiến hành xây dựng mới và nâng cấp cải tạo 30 chợ với tổng nguồn vốn trên 140 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động trưng bày, triển lãm liên quan đến lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng đã được đẩy mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, thông qua chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”, hay các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thương mại dịch vụ tại các địa phương, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Về định hướng phát triển thương mại của tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên đã cho biết: “Ngành Công thương sẽ tập trung vào việc xây dựng chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm đầu tư vào kết cấu hạ tầng thương mại có tầm bao phủ; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm lợi thế của tỉnh Thái Nguyên với các thị trường truyền thống ở trong nước cũng như tìm kiếm và mở rộng các thị trường ở nước ngoài.”

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp để xây dựng và phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn./.