Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển, trong giai đoạn 2011 - 2015, Ngành Công Thương Thái Nguyên đã thực hiện 163 đề án theo chương trình khuyến công với kinh phí hỗ trợ là 26,5 tỷ đồng. Trong đó, có 15 đề án khuyến công Quốc gia với kinh phí hỗ trợ là 6 tỷ đồng và 148 đề án khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ là 20,5 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngành Công Thương đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn chưa có nghề theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho 98 cơ sở; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 5 cụm công nghiệp...

thai nguyen day manh phat trien nganh nghe tieu thu cong nghiep lang nghe
Sản xuất miến tại Làng nghề Miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Nhờ tập trung phát triển sản xuất tiểu thủ công nghệp và làng nghề, năm 2015, giá trị sản xuất khu vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đạt 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với năm 2011. Thực tế cho thấy, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

Để đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung thúc đẩy một số ngành nghề có tiềm năng như: chế biến chè, nông sản thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng phát triển; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng tập trung vào các nghề có thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường việc xây dựng, quảng bá cho các sản phẩm chủ lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghệp và các làng nghề./.