Thái Nguyên: Định hướng phát triển ngành khai khoáng luyện kim theo chuỗi sản xuất
Dây chuyền của Nhà máy tuyển quặng sắt của công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ

Được thành lập năm 2007, công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên đã tiến hành xây dựng Nhà máy Luyện gang Nam Son, công suất 100.000 tấn/năm và Nhà máy tuyển quặng sắt tại xã Nam Hòa. Từ năm 2017 đến năm 2020, Công ty tiếp tục đầu tư 800 tỷ để đầu tư mở rộng Nhà máy luyện gang thép Nam Son với công suất 130.000 tấn/năm.

Sau khi mở rộng, quy trình sản xuất của nhà máy được đồng bộ từ sản xuất quặng thiêu kết đến luyện gang, lò cao có sử dụng công nghệ phun than thay thế than coke (cốc), luyện thép từ gang lỏng bằng công nghệ lò thổi đúc hai dòng liên tục. Đây là một công nghệ được đánh giá là hiện đại tiết kiệm được nhiên liệu và cho ra sản phẩm thép, gang chất lượng cao.

Hiện nay, khách hàng của công ty đều là những doanh nghiệp hàng đầu ngành thép Việt Nam như thép Hòa Phát, thép Việt Đức. Sản xuất ổn định, doanh thu tăng trưởng hàng năm đã giúp cho đời sống của người lao động được nâng lên. Hiện nay, hơn 500 lao động của nhà máy có việc làm ổn định với mức lương 12 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.

Điểm đáng ghi nhận khi áp dụng công nghệ hiện đại, khép kín, quy trình làm việc chặt chẽ khoa học đã giúp cho hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện gang thép Nam Son duy trì được sự ổn định, tiết kiệm được chi phí. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tối đa những tác động ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Ông Hoàng Văn Long, Trưởng xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ nhận xét: “Công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên đã về đây làm có phần đóng góp với địa phương nhiều. Thời điểm này, về môi trường địa phương chưa bị ảnh hưởng gì”.

Với định hướng khép kín chuỗi sản xuất, tối ưu hóa lợi thế của địa phương, đơn vị về vùng nguyên liệu, hiện nay công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên cũng ấp ủ dự định mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất than coke (cốc) thay thế nguồn than đang phải nhập khẩu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng này, công ty đang rất cần sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp các ngành của tỉnh Thái Nguyên.

Ông Đặng Văn Thành, Phó Giám đốc Nhà máy luyện gang thép Nam Son, công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên cho biết: “Ngành điện đã có chủ trương xây dựng trạm 110KV trên địa bàn xã Nam Hòa. Mong sớm rằng ngành điện sớm triển khai và đưa vào hoạt động để chúng tôi giảm thiểu được sự cố mất điện sản xuất. Đề xuất thứ 2, để đảm bảo quá trình sản xuất khép kín của chúng tôi hiện nay, trong đó, quá trình luyện than cốc chiếm đến 60% trong tổng giá thành của đơn vị. Nguồn than cốc thì phải nhập đến 90% từ Trung Quốc và các nước bên ngoài về. Chính vì vậy, chúng tôi có chủ trương xây dựng 1 nhà máy luyện cốc đảm bảo cho sản xuất. Mong tỉnh tạo điều kiện cho mặt bằng, thuê đất để chúng tôi sớm triển khai dự án”.

Theo khảo sát, tỉnh Thái Nguyên có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 49 triệu tấn tại 42 điểm mỏ, sản lượng đã khai thác là gần 10 triệu tấn. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là địa phương có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước với khoảng 15 triệu tấn than mỡ, 90 triệu tấn than đá. Tỉnh cũng có nhiều loại kim loại màu và quặng đa kim, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn và phân bố rộng rãi.

Phát huy lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào phong phú này, những năm qua nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nhà nước đã mạnh dạn đầu tư vào hoạt động chế biến sâu khoáng sản, nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách cũng như việc làm cho lao động địa phương.

Thái Nguyên: Định hướng phát triển ngành khai khoáng luyện kim theo chuỗi sản xuất
Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên đang quyết tâm thực hiện dự án xây dựng nhà máy luyện cốc nhằm đảm bảo tính bền vững sản xuất

Tuy vậy, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại và tiêu thụ sản phẩm tốt như công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên thì các đơn vị còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn chuyển đổi sang chế biến sâu. Nguyên nhân chủ yếu là do dây chuyền thiết bị, kỹ thuật khai thác, chế biến khoáng sản lạc hậu, chi phí phát sinh lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh, thị trường tiêu thụ khó khăn. Một số doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản còn đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Đây là những vấn đề đang cần có sự quan tâm định hướng và những cơ chế chính sách khuyến khích. kích cầu từ các cấp, các ngành của địa phương.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cũng như thực hiện kế hoạch, chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, một trong những nhiệm vụ là phải thay đổi sang công nghệ khai khoáng hiện đại nhất. Ngành công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh với những dự án bắt đầu triển khai để rà soát đầu vào một cách chặt chẽ, tìm nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm và có công nghệ chế biến tiên tiến nhất để đảm bảo đầu ra sản phẩm có giá trị cao nhất. Với những doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực này lâu năm ở trên địa bàn tỉnh thì phải tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để các doanh nghiệp tiếp cận có kế hoạch xây dựng dự án, thay đổi công nghệ, đóng góp vào chuỗi sản phẩm công nghiệp khai khoáng có giá trị cao nhất”.

Trong những tháng đầu năm 2021, thị trường thép biến động lớn đã giúp các doanh nghiệp trong ngành khai khoáng, luyện kim của tỉnh Thái Nguyên khởi sắc trở lại. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh sản xuất chế biến sâu, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đúng theo chiến lược đột phá của Thái Nguyên trong giai đoạn 2021-2025.