Thái Nguyên đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Trong thực tế, những ngành nghề lao động nặng nhọc ngày khó tuyển dụng được công nhân do các trường nghề càng khó tuyển sinh

Thông báo tuyển dụng gấp lao động được dán ngay cổng vào nhà máy của Công ty cổ phần Hợp kim sắt - Gang thép Thái Nguyên. Hàng chục chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó có công nhân luyện kim với mức thu nhập khá cao được đưa ra. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, công ty hầu như không tuyển được công nhân ở vị trí này.

Ông Đào Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hợp kim sắt - Gang thép Thái Nguyên cho biết lý do: “Đối với công nhân, có bằng cấp về luyện kim thì tốt. Còn lại cứ học hết lớp 12 thì có thể đăng ký phỏng vấn và đủ điều kiện sẽ nhận vào làm ở công ty luôn. Trong quá trình làm thì công ty cũng sẽ bố trí vị trí phù hợp với trình độ, năng lực, sức khỏe hoặc nguyện vọng muốn công tác ở vị trí nào thì sẽ đào tạo dần để đưa vào những vị trí đó”.

Những ngành nghề lao động nặng nhọc ngày càng khó tuyển dụng được công nhân, nhiều doanh nghiệp đã phải mời những lao động đã về hưu nhưng có kinh nghiệm quay trở lại làm việc. Các trường nghề cũng khó tuyển sinh đối với những ngành vốn được coi là thế mạnh của Thái Nguyên như cơ điện, luyện kim.

Ông Nguyễn Đức Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức, Thái Nguyên phân tích: “Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì theo các chuyên gia nhận định thì 1 số nghề truyền thống sẽ mất đi và hình thành 1 số nghề mới đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học và công nghệ. Nhà trường đã nghiên cứu và dự kiến trong thời gian tới sẽ mở thêm một số nghề mới phục vụ sự phát triển của địa phương như một số nhóm nghề điện tái tạo năng lượng, tòa nhà thông minh, một số nghề thuộc về điện lạnh- tái tạo không khí và một số nghề thuộc nhóm điện tử-tự động hóa”.

Thái Nguyên đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường là một trong những hướng đi quyết định sự tồn tại của các trường dạy nghề

TS Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật - Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Chúng tôi cũng sẽ chọn những ngành còn học sinh để đào tạo, phát triển. Còn căn cứ vào nhu cầu thị trường, chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để mở những nhóm ngành mới. Ví dụ, như vừa rồi chúng tôi đã xin tổng cục giáo dục nghề nghiệp cấp thêm cho chúng tôi 2 nhóm ngành mới là điện lạnh- điều hòa không khí và ngành điện tử công nghiệp”.

Theo kết quả điều tra, đánh giá của VCCI về Chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Thái Nguyên năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 71%, tăng 5% so với năm 2019, cao hơn trung bình cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 62%, tăng 13% so với năm 2019, thuộc nhóm cao trong cả nước. 92% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ có 54% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh, tương đương với năm 2019 và thuộc nhóm có tỷ lệ thấp của cả nước; trong đó sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm thuộc khối tư nhân là 79%. Trên thực tế, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID – 19 năm 2020, hoạt động giới thiệu việc làm cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính căn bản để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng cho rằng: “Với xu hướng hiện nay, thực hiện hỗ trợ phát triển thị trường lao động và sự chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên thì người lao động có thể trực tiếp khai thác hoặc thông qua sự hỗ trợ của trung tâm để tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng. Và ngược lại, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn dữ liệu này để thông qua hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin, qua các phiên chợ giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ người lao động ở bất cứ địa điểm nào. Hoặc ở chính doanh nghiệp của mình cũng có thể tiếp cận được với lao động”.

Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội T.X Phổ Yên cho biết: “Những tháng đầu năm 2021 chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để kết nối cung cầu lao động với người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch lưu động. Tuy nhiên, để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch chúng tôi đã chuyển hình thức các sàn giao dịch tập trung sang sàn giao dịch trực tuyến kết nối với người lao động về web giao dịch của trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh Thái Nguyên; đưa các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn lên cổng thông tin điện tử của thị xã”.

Đại dịch COVID-19 cũng làm cho kế hoạch và phương pháp đào tạo nghề của nhiều trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải thay đổi. Tuy nhiên, với đặc thù các trường nghề phải thực hành nhiều để thành thạo kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc dạy và học trực tuyến, các nhà trường đều tạo mọi điều kiện cho học sinh, sinh viên đến trường thực hành khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Ngay từ đầu năm nhà trường đã xây dựng các phương án khi có dịch quay trở lại, nhà trường đã chủ động các biện pháp kết hợp đào tạo dạy trực tuyến và dạy có hướng dẫn để triển khai các kế hoạch ngay từ đầu năm”.

Ông Trương Văn Biển, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên thông tin về biện pháp: “Đào tạo nghề thì đối với trường thì khóa 2019 đang đi thực tập từ đầu tháng 5/2021. Hiện nay nhà trường cùng phối hợp với các doanh nghiệp này thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất quan tâm cho các em thực hiện đủ các biện pháp phòng dịch như công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp”.

Thái Nguyên đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Thái Nguyên năm 2020 trên tổng lực lượng lao động đã tăng từ 14% lên 17%

Theo đánh giá của VCCI thì năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đạt 64%, tăng 2% so với năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động cũng đã tăng từ 14% lên 17%. Các trường nghề cũng đã tăng cường kết nối để đưa học sinh, sinh viên đi thực hành tại doanh nghiệp, từ đó, nâng cao kỹ năng nghề cũng như cơ hội có việc làm sau khi ra trường của học viên.

Đơn cử như tại doanh nghiệp chuyên sản xuất coppha – giàn giáo thép đã nhiều năm nay có liên kết với Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nghề hàn cho hàng chục học viên:

Ông Lê Đình Tấn, Giám đốc Công Ty TNHH Thương Mại Thiết Bị Hoà Bình, Thái Nguyên thông tin: “Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp Hòa Bình đã phối hợp với các trường nghề đào tạo trên địa bàn của tỉnh trong đó có trường dạy nghề Nam Thái Nguyên. Hằng năm, trường có cung ứng cho doanh nghiệp 1 lượng lao động đã qua đào tạo đủ đáp ứng nhu cầu của đơn vị”.

Học viên Trương Văn Mạnh, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Sau khi đi thực tập ở doanh nghiệp mình có tay nghề cao hơn ở trường và em có khả năng xin được việc làm”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã thu thập, cập nhật, phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại 270 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 25 vị trí việc làm, hơn 15.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí cho trên 6.500 lao động; tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm với 500 người được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng tích cực tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật đối với các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ trì xây dựng các thủ tục và điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập, tham mưu các giải pháp hỗ trợ tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh. Đây là những giải pháp hết sức thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số đào tạo lao động của Thái Nguyên trong thời gian tới.