Tết ông Công ông Táo thời COVID-19
Lượng người mua sắm để làm cỗ tiễn ông Công ông Táo đổ ra chợ truyền thống khá lớn.

Mối nguy hiểm của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 dường như không ảnh hưởng nhiều đến sự nhộn nhịp của ngày 23 tháng Chạp. Ngay từ sớm, người dân đã tấp nập mua sắm để sửa soạn mâm cơm tiễn ông Công ông Táo được đẩy đủ và chu đáo. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sắm sửa Tết đã được người dân tiến hành từ khá sớm.

Chị Đỗ Thị Thanh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi chuẩn bị từ hôm qua. Hôm nay chỉ là mua thêm cá thôi”.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ cửa hàng vàng mã tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên nhận xét: “Năm nay thì người dân mua hạn chế hơn”

Chị Hà Thị Hải Yến, một người bán hàng ở chợ Thái chia sẻ: “Năm nay do dịch COVID-19 nên người dân cũng làm trước từ 20,21,22 rồi. Nên hôm nay lượng người mua bình thường”.

Đối với ngày 23 tháng Chạp thì cá chép là 1 phần không thể thiếu. Khảo sát thị trường cho thấy, giá cá chép trong ngày 21 và 22 vẫn khá ổn định. Tuy nhiên đến sáng 23 tháng Chạp, giá cá chép đã tăng vọt, gấp 3-5 lần so với hôm trước, phổ biến ở mức 180 nghìn đồng 3 con và tình trạng cháy hàng ngay đầu giờ sáng đã diễn ra ở hầu hết các chợ xung quanh khu vực thành phố Thái Nguyên.

Tết ông Công ông Táo thời COVID-19
Cá chép là mặt hàng chính và khan hiếm trong ngày 23 tháng Chạp năm nay

Chị Đỗ Thị Thanh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên khẳng định: “Chỉ có cá là đắt thôi, còn các mặt hàng khác thì giá vẫn bình thường”.

Bà Nguyễn Thị Vụ, một người bán cá cho biết: “Hôm nay thì bán 100 nghìn đồng/3 con. Con to thì bán 150 nghìn đồng/3 con. Cá năm nay đắt hơn năm ngoái do mua vào cũng đắt hơn. Còn không có nguồn để mua”.

Tình trạng cháy hàng khiến người dân không có nhiều cơ hội cũng như thời gian để lựa chọn. Chỉ 1 phút đắn đo, rất có thể người khác sẽ mua trước. Hơn 9h mà nhiều chợ gần như không còn 1 hàng nào bán cá chép cúng 23.

Anh Quách Văn Tâm, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Lúc nãy người bán bảo 50 nghìn/con. Xong mang lên đây là 60 nghìn đồng/con. 3 con là 180 nghìn đồng”.

Chị Tạ Lê Khanh, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ thì chia sẻ: “Giá đắt hơn mọi năm, đến giờ này cũng không có cá mà mua. Bên chợ Chùa Hang có mỗi 1 hàng bán cá nên người ta tranh nhau mua hết rồi. 100 nghìn đồng/3 con mà cũng không có bán nên tôi phải sang chợ Thái bên thành phố mua”.

Dòng người đổ về chợ đầu mối Túc Duyên và chợ Thái để sắm sửa cho ngày tết ông Công, ông Táo đã gây ra tình trạng tắc cục bộ… Phần lớn người dân trong dòng người đông đúc này, đều đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.

Anh Quách Văn Tâm, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Hầu như xung quanh đây đều chấp hành, như bác bán cá đây đeo khẩu trang. Mọi người cũng có ý thức cả”.

Chị Hà Thị Hải Yến, một người bán hàng ở chợ Thái cũng khẳng định: “Hầu như mọi người đều đeo hết khẩu trang khi ra chợ”.

Tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận, vẫn còn 1 bộ phận người dân chủ quan, không đeo khẩu trang phòng dịch nơi công cộng. Điều này rất nguy hiểm. Bởi chỉ 1 cá nhân không chấp hành tốt các quy định cũng có thể phá hủy mọi nỗ lực, cố gắng phòng chống dịch COVID-19 của toàn thể cộng đồng.

Chung tay phòng chống dịch COVID-19 là điều mà cả xã hội cần làm vào lúc này, để ngày tết ông Công, ông Táo thêm phần ý nghĩa, người dân được đón Tết trong sự bình an và hạnh phúc, để khi đã về trời, ông Công ông Táo không còn phải canh cánh trong lòng nỗi lo dịch bệnh nơi trần gian./.