Tết ông Công ông Táo phong tục tín ngưỡng đẹp của người việt
Mâm cơm truyền thống cúng ông Công ông Táo của một gia đình.

Năm nay, tết Táo quân trùng vào ngày nghỉ nên các gia đình đều chuẩn bị cúng ông Công ông Táo từ sớm .Cũng như các năm trước, ngoài lễ vật, là một mâm cỗ mặn với những món ăn truyền thống đơn giản, thể hiện tấm lòng của gia chủ dâng cúng Táo quân.

Bà Lê Thị Thu Hoài, Phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên:"Gia đình tôi thì sắp xếp công việc thời gian làm mâm cơm để thắp hương cầu một năm mới gặp nhiều may mắn và bình an cho gia đình."

Bà Nguyễn Thủy Khuê, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên:"Năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị mâm cơm chú đáo với nhiều món ăn truyền thống."

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ để đi tới thành công.

Chị Vũ Thị Diệp Hương, TP Thái Nguyên: "Mình thường chọn cá vào ngày 22 và không nhất thiết phải chọn cá to. Tôi thường chọn những con cá nhanh, khỏe và không bị bong, chóc vẩy. Trong năm mới rất mong muốn toàn gia đình bình an, mọi việc được hanh thông."

Lễ cúng ông Công, ông Táo thường được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau khi thực hiện xong các nghi thức người dân sẽ đi thả cá chép, đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn thể hiện sự từ bi, hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Tiễn ông Công, ông Táo, người dân gửi gắm mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc.

Sư cô Thích Nhuận Thủy, Ủy viên BCH Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: "Việc chúng ta phóng sinh, thả cá là chúng ta đang làm phúc. Nhưng mà cần phải lưu ý khi chúng ta thả cá thì phải chọn nơi nước trong, môi trường không bị ô nhiễm để những con cá có thể sống được và lưu ý việc không bỏ túi ni lông, vật đựng cá ra môi trường."

Năm nay dịch covid đã cơ bản được kiểm soát, Tết Ông Công, ông Táo là ngày cuối tuần nên hoạt động mua sắm của người dân vào ngày này cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Tết ông Công ông Táo là một phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy. Để phong tục này trở nên ý nghĩa hơn, mỗi gia đình cũng không nên quá cầu kì trong mâm cỗ, nhất là việc đốt quá nhiều vàng mã.. Vì lòng thành kính cốt lõi là ở cái tâm luôn tưởng nhớ tiền nhân và sống thiện, sống tốt với mọi người.