Tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Được hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân ở T.P Sông Công đã nâng cao thu nhập gấp 4-5 lần so với trước đây

Diện tích đất canh tác hạn chế, nên đảm bảo ổn định thu nhập từ sản xuất nông nghiệp luôn là bài toán khó đối với nhiều hộ nông dân ở thành phố Sông Công, trong đó có gia đình anh Đồng Văn Tuấn, xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên.

Tuy nhiên, đó là chuyện trước đây, từ khi được thành phố hỗ trợ theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, 4.000m2 đất chỉ trồng lúa của gia đình anh đã được chuyển đổi sang trồng hoa chất lượng cao, cho thu nhập gấp 4-5 lần so với trước đây.

Anh Đồng Văn Tuấn, xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên cho biết: “Gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ như thế rất có ý nghĩa sẽ tạo được động lực phát triển kinh tế vững hơn, mạnh hơn”.

Còn đối với Hợp tác xã này, những hỗ trợ kịp thời nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý và tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mua 10 máy sao chè đã góp phần để Hợp tác xã vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập. Đến nay, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường từ 10-12 tấn chè các loại, doanh thu đạt 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Dương Xuân Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi, thành phố Sông Công: “Trong quá trình thành lập hợp tác xã cũng được chính quyền quan tâm hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị để mình phát triển thuận lợi hơn”.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020, đã có hàng trăm hộ dân trên địa bàn thành phố Sông Công được hỗ trợ về giống, phân bón, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất nông nghiệp, với tổng nguồn lực hỗ trợ đạt trên 51 tỷ đồng.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sông Công khẳng định: “Phòng Kinh tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố xây dựng 1 đề án phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện Nghị quyết số 10, giai đoạn 2021-2025, tập trung vào hướng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và liên kết sản xuất theo chuỗi. Thứ 2 là nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương. Ví dụ như vùng bưởi OCOP Tân Quang - Sông Công, các sản phẩm chè, gạo của các tổ hợp tác và nâng cao chuỗi sản xuất cùng thu nhập”.

Định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả đã mang lại nhiều kết quả, không chỉ góp phần giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đặc thù, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.