Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội
Một phiên họp tại hội trường của kỳ họp Quốc hội.

4 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội thì có đến 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu chuyên trách, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nhận thấy rất rõ sự khác biệt giữa chuyên trách và kiêm nhiệm. Khi còn kiêm nhiệm, bà chỉ dành được khoảng 30% thời gian cho hoạt động Quốc hội thì nay là 100%. Điều này giúp cho mọi hoạt động từ xây dựng pháp luật đến giám sát, kiến nghị, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, cử tri đều chuyên sâu và sát thực tế hơn.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ: “Mình không bị quy định hành chính thúc ép phải đi họp nơi này, nơi khác giúp mình tĩnh tâm, chuyên sâu hơn. Đại biểu chuyên trách mà nghiên cứu và am hiểu chuyên sâu về pháp lý thì chắc chắn giúp được cho người dân nhiều lắm”.

Từ thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nếu cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò thì khó có thể đạt được hiệu quả tối ưu. Vì vậy việc tăng tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách lên 40% là cần thiết, thậm chí nhiều đại biểu kỳ vọng tăng tỷ lệ này lên 50%. Điều này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng đổi mới, hiện đại và chuyên nghiệp hơn đối với hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: “Mục tiêu là đại biểu Quôc hội mang tính chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì đại biểu hoạt động phải toàn tâm, toàn ý 100% cho thời gian hoạt động Quốc hội. Nhưng Quốc hội có yêu cầu đặt ra là đại diện của các giai tầng khác nhau thì cũng không thể là chuyên nhiệm 100% như nghị viện 1 số nước khác trên thế giới”.

Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng tăng số lượng chỉ là điều kiện cần, việc đảm bảo chất lượng đại biểu mới là điều kiện đủ. Đây là yêu cầu đặt ra ngay từ khâu lựa chọn làm sao để chọn được những người đại biểu thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nhưng phải là những chuyên gia thật giỏi.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Làm sao chúng ta có thể lựa chọn được nhân sự phù hợp nhất, giới thiệu với nhân dân để nhân dân lựa chọn, bầu những người mình thấy tin tưởng nhất, xứng đáng nhất".

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết thêm: “Các đại biểu đã được cử tri lựa chọn vào đã là những người thật sự xứng đáng đại diện cho tiếng nói của người dân. Và thực sự là người có năng lực, có đủ điều kiện đóng góp, giúp cho những vấn đề quyết định của Quốc hội nó đúng nghĩa công tâm, vì dân, vì nước”.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách chính là những nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, việc đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đại biểu chuyên trách sẽ đáp ứng được cả điều kiện cần và đủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.