Tăng cường xử lý các trường vi phạm về nồng độ cồn trong dịp Tết
Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đang được lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tập trung triển khai, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, vì một cái Tết an toàn.

21h, ngày 19/1 (tức 28 Tết) - đây cũng là thời điểm bắt đầu cho cuộc tất niên. Và thứ không thể thiếu trên bàn tiệc, đó là rượu, bia. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết. Bởi thực tế, chỉ trong chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mở chốt kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý gần 10 trường hợp vi phạm.

Người vi phạm cho biết: "Tôi uống từ buổi trưa, không nghĩ là giờ thổi vẫn còn. Nghĩ là vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện và tham gia giao thông, lần sau tôi sẽ chú ý hơn".

Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm có mức đo nồng độ cồn cao gấp nhiều lần mức kịch khung của chế tài xử phạt là 0,4mlg/lít khí thở. Tuy nhiên, nhiều lý lẽ vẫn được biện minh.

Người vi phạm cho hay: "Hôm nay tất niên, tôi uống có 2 chén, không hiểu sao lại lên cao thế".

Tăng cường xử lý các trường vi phạm về nồng độ cồn trong dịp Tết
Trong 2 tháng thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý gần 2.700 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tước giấy phép lái xe trên 400 trường hợp, tạm giữ trên 600 phương tiện.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, trong 2 tháng thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý gần 2.700 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tước giấy phép lái xe trên 400 trường hợp, tạm giữ trên 600 phương tiện. Trong đó, số vi phạm về nồng độ cồn là gần 460 trường hợp, tăng gần 250 trường hợp so với đợt cao điểm trước. Dù vậy, theo ghi nhận, đại bộ phận người dân đều đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định về sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông.

Anh Đặng Quang Linh, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Dịp Tết tôi cũng hay được mời rượu bia, khi tham gia giao thông tôi kiên quyết không uống rượu bia để chấp hành tốt Luật giao thông".

Anh Ma Văn Dương, huyện Định Hóa, TP Thái Nguyên cho hay: "Dịp Tết, lực lượng chức năng kiểm tra để tránh tình trạng gây tai nạn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh".

Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Qua công tác điều tra cơ bản nắm tình hình trên các tuyến địa bàn do đơn vị quản lý, chúng tôi cũng xác định một số địa điểm, địa bàn trọng tâm thường có nhiều người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn; trong đó, chúng tôi huy động tối đa lực lượng tập trung vào những tuyến địa bàn trọng điểm đó để tăng cường công tác xử lý. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Công an các đơn vị, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tuần tra, kiểm soát và xử lý triệt để những hành vi liên quan đến việc sử dụng rượu bia cũng như điều khiển chạy quá tốc độ quy định".

Hầu hết các trường hợp vi phạm đều có thái độ hợp tác và chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông. Một số trường hợp không chấp hành, né tránh việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc kéo dài thời gian để gọi điện nhờ can thiệp, thậm chí có những trường hợp chống đối... đều bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Pháp luật nghiêm minh là điều kiện cần, nhưng ý thức chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông mới là điều kiện đủ để “Đã uống rượu bia thì không lái xe” không chỉ là khẩu hiệu, mà thể hiện bằng hành động của mỗi người khi tham gia gia thông, để có một cái Tết trọn vẹn./.