Tăng cường quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất, kể cả hút thụ động cũng là nguy cơ hàng đầu gây ra các tổn thương phổi. Ngoài ra những người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh, môi trường sống ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thúy Vân - Phó Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng khuyến cáo bệnh nhân nên khám định kì, phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng phải tập thở để tránh tắc nghẽn trong phổi, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng"

Tăng cường quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, hiện đang quản lý và điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ khi được quản lý điều trị tại Phòng quản lý Bệnh phổi mạn tính, các bệnh nhân được khám và cấp thuốc hàng tháng; được các Bác sỹ tư vấn, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số và nhận thuốc theo đúng phác đồ điều trị, nhờ vậy nhiều bệnh nhân đã thuyên giảm tình trạng bệnh, kiểm soát được các cơn hen và đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm tần suất phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Ông Trần Văn Tường – Phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên cho biết: "Bệnh ảnh hưởng đến cuốc sống của tôi rất là trầm trọng, từ sinh hoạt đến ăn uống ngủ cũng rất là khó thở rất vất vả, bác sĩ vẫn thường xuyên khuyến cáo phải dùng thuốc đúng và không được quên, ngày nào cũng phải dùng thuốc, dự phòng vừa uống vừa xịt, vì mỗi tháng chúng tôi phải lên đây để khám lại một lần".

Trước tình hình gia tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay, mô hình quản lý ngoại trú Bệnh phổi mạn tính tại bệnh viện phổi Thái Nguyên là giải pháp hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh. Việc tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh sẽ góp phần không nhỏ làm giảm gánh nặng bệnh tật, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và gia đình.

Tiến sỹ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng rất mong nếu để toàn thể bệnh nhân mắc bệnh về mạn tính và hen phế quản được quản lý điều trị tốt thì ngoài Bệnh viện chúng tôi có phòng quản lý bệnh phổi mãn tính để trực tiếp quản lý đối tượng bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính bệnh viện tuyến tỉnh cũng như tuyến huyện để đáp ứng nhu cầu của người dân tại địa phương đó một cách thuận lợi nhất. Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng phải có sự thay đổi về cơ chế chính sách để cơ quan bảo hiểm y tế có đủ nguồn tphí để chi trả cho việc quản lý bệnh nhân bệnh phổi mãn tính".

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn, vì vậy việc quản lý và điều trị kịp thời là vô cần thiết để tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Hy vọng, trong thời gian tới các ban, ngành chức năng sẽ có thêm nhiều giải pháp để có thêm nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được quản lý và điều trị. Bản thân mỗi người dân hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, có chế độ sinh hoạt lành mạnh và vận động thường xuyên để phòng tránh căn bệnh này./.