Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông
Mô hình tư vấn do Trường THPT Chuyên Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng sống STB thành lập

Tạo ra một không gian an toàn, tin tưởng, nơi học sinh có thể tìm đến mỗi khi các em gặp khúc mắc, căng thẳng hay lo lắng trong cuộc sống... đó là mục tiêu thành lập Phòng tư vấn tâm lý học đường. Đây là mô hình do Trường THPT Chuyên Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng sống STB thành lập. Chia sẻ từ các em học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên:

Em Nguyễn Thanh Vân, lớp Anh 12A2: “Sự xuất hiện của phòng tâm lý mang đến rất nhiều lợi ích không những về mặt tâm lý mà còn về mặt thể chất cho mọi người”.

Em Lê Thị Hương Giang, lớp Anh 12A2: “Sau những giờ học căng thẳng có thể lên đây và cùng cô trò chuyện hoặc những vấn đề mà các bạn đang gặp phải, bị áp lực thì cô sẽ đưa ra những lời khuyên cho các bạn”.

Em Lâm Hoàng Minh, lớp Hóa 10: “Các Thầy Cô giáo có thể đưa ra những biện pháp chia sẻ cùng em những áp lực, những nỗi lo căng thẳng về điểm số và trong học tập của em”.

Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông
Tư vấn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách
Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông

Cùng với các hoạt động tư vấn trực tiếp tại Phòng tư vấn tâm lý học đường, Tổ tư vấn Tâm lý học đường của nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm (ngoại khoá), chia sẻ, giải đáp thắc mắc; tư vấn trực tuyến thông qua đường dây nóng, trang web, fanpage Nhà trường.

Bà Lê Thị Minh Thịnh, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên: “Bản thân tôi muốn hiểu biết thêm để về giáo dục và cùng chia sẻ với con”.

Thầy giáo Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên: “Chúng tôi tăng cường việc truyền thông, đầu tiên là để làm tăng nhận thức của Thầy Cô, để thầy cô nghĩ học sinh đến trường không chỉ quan tâm để dạy văn hóa mà quan tâm đến vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, quan tâm đến giáo dục toàn diện, tổ chức nhiều hoạt động để cho những em học sinh né tránh hoạt động tập thể thì các em được vào cuộc và tham gia những hoạt động đấy để các em mạnh dạn tư tưởng của mình để tạo ra một môi trường lành mạnh”.

TS Lê Thị Phương Hoa, chuyên gia tư vấn tâm lý: “Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn về công tác tư vấn hỗ trợ học đường thì người ta cũng đã tính đến điều đó rồi. Tuy nhiên, khi gắn vào từng trường cụ thể thì còn nhiều yếu tố, nhưng nếu xét về bối cảnh hiện tại thì tôi cho rằng mỗi một nhà trường cần vận hành một mô hình riêng, làm sao phù hợp với nhà trường”.

Thông qua việc thành lập Tổ tư vấn tâm lý và Phòng tư vấn tâm lý học đường trong trường học, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ngày càng được nâng cao; đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lý cho học sinh. Cùng với đó, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách; từ đó, giảm thiểu bạo lực học đường và các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra./.