Tái cơ cấu kinh tế đang được đưa ra Quốc hội bàn thảo tại nghị trường. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp hết sức quan tâm. Tái cơ cấu kinh tế không chỉ dừng lại ở việc sử dụng 10 triệu tỷ đồng như thế nào, huy động hay sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tái cơ cấu bắt đầu từ đâu.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay không liên quan tới thu hút nguồn lực và huy động nguồn lực mà lại có những vấn đề liên quan đến sử dụng nguồn lực.

tai co cau kinh te kho hieu qua khi su dung khong dung nguon luc
Nguồn lực không được phân bổ nơi có hiệu quả nhất sẽ dẫn đến những hệ quả như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. (Ảnh minh họa: Internet)

Để chứng minh điều này, TS. Tự Anh dẫn một câu chuyện đang có thật và đang làm đau đầu nhiều người, nhiều cấp, ngành. Đó là việc đầu tư xây dựng Nhà máy xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) chuẩn bị cho việc gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Động cơ xây dựng nhà máy này là nhằm giúp Việt Nam có thể chủ động được 30-40% nguyên liệu từ sợi, thực hiện được quy tắc từ sợi của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, nhà máy này hiện nay càng sản xuất càng lỗ với tổng lỗ lũy kế là 2.000 tỷ. Do đó, một khoản đầu tư 7.000 tỷ cho một nhà máy xơ sợi với một động cơ hoàn toàn đúng đắn, một tầm nhìn hoàn toàn chính xác, nhưng do thực hiện kém nên đã dẫn tới chuyện nguồn lực bị phân bổ một cách kém hiệu quả, đồng thời chúng ta lại không hưởng lợi được từ việc gia nhập TPP.

Như vậy, để phân bổ nguồn lực hiệu quả thì phải có các thị trường vận hành hiệu quả. Đó là thị trường về tiền tệ, tín dụng, thị trường đất đai, thị trường về công nghệ, thị trường về lao động.

Những thị trường cơ bản này một khi còn bị bóp méo, không vận hành một cách trơn tru thì nguồn lực có thể huy động được, nhưng không được phân bổ nơi có hiệu quả nhất thì dẫn đến những hệ quả như vụ nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Điều quan trọng nữa là, để phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế cần phải chuẩn bị về năng lực cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước, giảm chi tiêu công.

“Chúng ta cần tái cấu trúc ngay bản thân những bộ máy làm chính sách, bộ máy hành chính để làm sao cho chi tiêu công giảm đi, làm thế nào để bộ máy hành chính đó vận hành một cách hiệu quả hơn. Chính nó tạo ra những chính sách cũng như thực thi chương trình tái cơ cấu một cách đúng đắn và hiệu quả hơn”, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định.

Do những bất cập trong nền kinh tế đất nước hiện nay, xuất phát từ quản lý nhà nước chưa theo đúng tín hiệu của thị trường, vì vậy phải thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế để đưa đất nước phát triển bền vững cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng được một nền hành chính công vụ phục vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, tái cơ cấu quan trọng là phải đảm bảo được 3 yếu tố.

“Yếu tố thứ nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, thứ hai là minh bạch, rõ ràng, bình đẳng trong pháp luật về kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hiện nay đã mở rất nhiều, Quốc hội thông qua rất nhiều; thứ ba là nền hành chính phục vụ, nền công vụ phục vụ”, TS. Trần Du Lịch chỉ rõ.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển -Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, muốn thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trước hết phải tái cơ cấu nhân sự; thứ hai là tái cơ cấu hệ thống ngân sách. Phải quán triệt, cam kết lập lại một trật tự mới về hệ thống hành chính có lợi cho nền kinh tế quốc gia, xóa bỏ những rào cản không còn phù hợp.

“Phải rà soát lại sự phân công trong toàn bộ hệ thống, từ lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kèm theo là hệ thống nhân sự thật sự đổi mới. Đây phải là một sự đột phá về thay đổi con người. Chỉ có những người thích nghi với điều kiện mới thì bố trí sắp xếp. Đây là một sự đột phá rất hữu ích”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng nhận định.

Đề án tái cơ cấu kinh tế được xem là đột phá trong tư duy của những người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Nhà nước hiện nay. Chính vì thế, theo các chuyên gia, cùng với việc bàn giải pháp thực hiện đề án, thì phải làm sao để toàn dân, nhất là doanh nghiệp hiểu được tư duy này để cùng góp sức vào công cuộc đổi mới nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2020./.