Tác phẩm “Sửa đổi Lối làm việc” - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đồi Khau Tý nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và lãnh đạo cách mạng Việt nam.

Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chiếc lán đơn sơ giữa rừng già chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và lãnh đạo cách mạng Việt nam từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 10 năm 1947.

Đây chính là một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Chỉ 2 năm sau khi nước Việt nam dân chủ cộng hòa ra đời, giữa bộn bề công việc cách mạng, trong những ngày gian khổ, thiếu thốn và đầy hiểm nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên đặc biệt và dành thời gian để hoàn thành tác phẩm “ Sửa đổi Lối làm việc”. Điều này đã khẳng định sự coi trọng của Người với công việc Chỉnh đốn Đảng: cuộc kháng chiến trường kỳ càng khó khăn, gian khổ thì yêu cầu về sức chiến đấu của Đảng ngày càng cao.

Tác phẩm “Sửa đổi Lối làm việc” - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tác phẩm “Sửa đổi Lối làm việc” - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ông Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: "Cán bộ là gốc, muốn như vậy thì cán bộ phải có phẩm chất có đạo đức, bên cạnh đó phải có chuyên môn tốt, chuyên môn đó không tách rời đạo đức, phẩm chất như lời Bác kết luận, đây chính là vai trò của sửa đổi lối nước làm việc được Bác chắp bút những ngày kháng chiến ác liệt ở Định Hóa, Thái Nguyên".

Tác phẩm “ Sửa đổi Lối làm việc” nêu 6 nội dung lớn, là 6 vấn đề hệ trọng, về: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo và chống thói ba hoa. Trong đó, có những vấn đề là trước mắt, dễ khắc phục, có vấn đề là lâu dài, cần kiên trì, thường xuyên giáo dục, sửa chữa, tất cả đều nhất quán theo một chủ đề “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

GS. TS Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: "Đây là tác phẩm thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên của Bác trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Đảng là một Đảng cầm quyền cho nên phải thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực sự đấu tranh chống được chủ nghĩa cá nhân, tức là giặc nội xâm để thực sự xứng đáng là người đầy tớ, người lãnh đạo thật trung thành của nhân dân"

Ngay tại thời điểm ra đời, tác phẩm đã đi vào thực tiễn chỉ đạo cuộc trường chinh cách mạng, trường kỳ kháng chiến của Đảng và dân tộc, tạo nên phong trào sửa đổi lối làm việc và thi đua ái quốc rộng khắp trên cả nước, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tác phẩm có ý nghĩa không chỉ thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trường tồn theo thời gian, đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử, tính thời đại, tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Những nội dung quan trọng mà tác phẩm xác định, là điều để cán bộ nhận diện được những biểu hiện đó, biết so sánh với thực tiễn nhiệm vụ cách mạng và những biểu hiện của căn bệnh còn có ảnh hưởng cho đến bây giờ, đó chính là nhận thức và thay đổi nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, kiểm tra giám sát, đánh giá kỷ luật, khen thưởng, động viên cán bộ".

Tác phẩm “Sửa đổi Lối làm việc” - Kim chỉ nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thái Nguyên - Thành phố hôm nay.

Tự hào là nơi ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên đang từng ngày phấn đấu, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, giàu mạnh. Lời Người dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mãi là tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi sáng toàn Đảng, toàn dân tộc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng nỗ lực rèn luyện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.