Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025" khuyến khích hình thành các cụm, ngành sản xuất trong chuỗi cung ứng, phụ trợ đối với các doanh nghiệp nước ngoài

Doanh nghiệp này chuyên sản xuất tinh bột trà và tinh bột rau xanh, với 10 sản phẩm được cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền tiêu thụ ở các thị trường Thái Nguyên và một số địa phương khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ dù đây là sản phẩm còn khá mới mẻ tại địa phương.

Anh Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phát triển thương mại Nguyên Việt cho biết: “Hiện tại, chúng tôi mới đưa sản phẩm này ra thị trường, lợi nhuận thấp. Doanh nghiệp nào thì cũng mong sản xuất có lợi nhuận. Nên rất mong thời gian tới có đầu ra ổn định, chúng tôi được tham gia vào các chương trình giới thiệu doanh nghiệp trẻ giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Còn đối với doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm này, duy trì tốt hoạt động sản xuất, tiềm năng để mở rộng thị trường là rất lớn. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, một doanh nghiệp tư nhân chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống thang máy nhập khẩu lại chính là nguồn nhân lực. Đầu tư hệ thống máy móc hiện đại lên đến vài chục tỷ đồng. Song, doanh nghiệp vẫn chẳng thể tuyển được kỹ sư tay nghề cao để vận hành, mặc dù có đầy đủ các chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập cho biết: “Đối với doanh nghiệp của chúng tôi đang khắc phục bằng cách là in quảng cáo tuyển dụng các thợ có tay nghề đưa xuống một số trường nghề để quảng bá”.

Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp: "Nếu Thái Nguyên tham gia vào các chuỗi liên kết mới hoặc các chuỗi cung ứng mới với Sam Sung sẽ có vị thế cao hơn và giá trị gia tăng nhiều hơn".

Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và vốn chỉ là một số vấn đề trong những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải đối mặt.

Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 được đưa vào triển khai sẽ phần nào tháo gỡ những khó khăn bằng các giải pháp đặc thù. Đề án xác định mục tiêu, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng bình quân 10 - 12%/năm và giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 11%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và có trên 10% doanh nghiệp số, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Hội đồng nhân dân tỉnh đã có cái nhìn thực tế về khó khăn của hội doanh nghiệp nhỏ và vừa để có định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2021-2025”.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn cho biết: “Đề án này khi được ban hành sẽ là hành lang tốt để các cơ quan, chức năng có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp từ đơn vị mới khởi nghiệp đến các doanh nghiệp lâu năm. Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan trọng nhất là hệ thống quản trị chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Đây là điều quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Tạo động lực phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 chính là bước cụ thể hóa quan điểm của một chính quyền kiến tạo, đồng hành vì Thái Nguyên phát triển, từ đó khuyến khích hình thành các cụm, ngành sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực, làm cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Thái Nguyên trong chuỗi cung ứng, phụ trợ đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: “Trong hỗ trợ thì có thể hỗ trợ bằng nhiều cách lắm nhưng điều quan trọng cơ bản nhất vẫn là con người. Từ mô hình, cách thức, chọn lựa thế nào, hạ tầng cần thiết, điều kiện ưu đãi cũng nên rõ ràng. Ví dụ như điều kiện của Thía Nguyên những lĩnh vực của doanh nghiệp phụ trợ cần hỗ trợ thì tôi cho tốt nhất là làm việc luôn với Sam Sung, thuyết phục họ xem họ cần những phụ trợ gì để mình sản xuất ngay tại chỗ cung cấp cho họ. Từ đó chúng ta được tham gia vào các chuỗi liên kết mới hoặc các chuỗi cung ứng mới với vị thế cao hơn và giá trị gia tăng nhiều hơn”.

Những biến động của làn sóng dịch bệnh COVID-19, kéo theo những biến động của nền kinh tế sẽ khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp tục gặp phải những khó khăn trong chặng đường phía trước. Song, từ những chính sách hỗ trợ kịp thời của địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu khả quan cho sự phát triển kinh tế của Thái Nguyên./.