Sự độc đáo của phương ngôn, đồng dao Thái Nguyên
Bản sắc văn hóa đặc trưng ở huyện Phú Bình là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược.

Huyện Phú Bình là địa phương được ví như chiếc cầu nối liền vùng đồng bằng châu thổ với miền núi non hiểm trở phía Bắc. Đây cũng là ngã ba của con đường giao thương với các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, thủ đô Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc. Bản sắc văn hóa đặc trưng ở đây là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Điều này còn được thể hiện rõ qua sự phong phú của tri thức văn hóa dân gian từ những câu đồng dao, phương ngôn vô cùng dí dỏm về các làng quê nơi vùng đất này.

PGS.TS Trần Thị Việt Trung, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi đã từng có những nghiên cứu như câu “Khéo ăn làng Thới/Khéo nói Úc Kỳ/Rù rì Phương Độ/Sừng sộ Nga Mi/Ru không chịu đi/Là anh làng Vạn/Ăn chơi có hạng/Là đất Phao Thanh/Thích được làm anh/Thanh niên làng Cả” - muốn nói về tính cách của những con người thuộc các vùng đất khác nhau ở Thái Nguyên".

Sự độc đáo của phương ngôn, đồng dao Thái Nguyên
Tri thức dân gian qua nhiều thế hệ sáng tạo đã để lại và lưu truyền nhiều câu ca dao, phương ngôn, đồng dao nói về bản sắc văn hóa, bản sắc con người hay chỉ dẫn địa danh rất ấn tượng mỗi khi được nhắc đến.

Tri thức dân gian qua nhiều thế hệ sáng tạo đã để lại và lưu truyền nhiều câu ca dao, phương ngôn, đồng dao nói về bản sắc văn hóa, bản sắc con người hay chỉ dẫn địa danh rất ấn tượng mỗi khi được nhắc đến.

Ông Vũ Đình Toàn, CLB Thơ Sông Cầu, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Câu "Qua Đu tới Đuổm lên Chào/Rẽ qua Phố Ngữ thì vào Chợ Chu” đây là 1 câu chỉ đường bằng văn vần, dễ thuộc, dễ nhớ, giúp ích rất nhiều. Câu "Khi Mỏ Bạch, khi Xương Rồng/Khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am” - câu cửa miệng từ ngày xưa, không phải bây giờ mới có, nhưng thể hiện rõ ràng sinh hoạt tâm linh rất sôi động, nhộn nhịp".

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Phúc Tước, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Giao thoa văn hóa rất rõ ràng, những phương ngôn, câu ca dao, tục ngữ mới xuất hiện trong thời kỳ hội tụ như "Lử khử, lừ khừ/Chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai" có từ thời kỳ chống Pháp, nói lên đây là những vùng miền hay bị bệnh sốt rét, sức khỏe con người không được tốt".

Tri thức văn hóa dân gian không phải là bất biến mà chịu tác động rất lớn bởi thời gian, cũng như thường xuyên có sự tiếp biến, thay đổi phù hợp với thời đại mới. Trong quá trình đào thải, theo quy luật, những cái gì là căn cốt, tốt đẹp nhất sẽ được giữ lại.

PGS.TS Trần Thị Việt Trung, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trí tuệ dân gian vẫn tồn tại và luôn phát triển, được cải tiến và phù hợp với đời sống thực tiễn như câu "Đẹp gái xinh trai không ở Võ Nhai cũng ở Đại Từ" những câu này hiện nay cũng rất nhiều".

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Phúc Tước, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Tôi nghĩ rằng sẽ lưu giữ được những điều đã có và phát huy được những điều mà nhu cầu cuộc sống đòi hỏi".

Văn hóa dân gian luôn là cả một bầu trời tri thức, tình cảm, cách nghĩ, cách làm, cách sống... thú vị của cộng đồng. Để bảo tồn và gìn giữ, chủ thể quan trọng nhất vẫn chính là mỗi người dân. Khi văn hóa dân gian đi vào cuộc sống và được ứng dụng trong các lĩnh vực nghệ thuật, làm cho chất truyền thống hòa vào nhau thành một dòng chảy mạnh mẽ của văn hóa dân tộc. Cùng với mạch sống dân gian lắng trong tiềm thức, kho tàng quý báu này sẽ đi vào đời sống tâm thức thành các giá trị văn hóa lưu truyền, góp phần bồi đắp vào chuẩn mực cho cách hành xử tốt đẹp của con người./.