Sản xuất nông nghiệp trong cơn “bão giá”
Bà Trần Thị Tám ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, trao đổi với cán bộ nông nghiệp về những khó khăn trong gieo cấy lúa hiện nay.

Trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa, chi phí phân bón chiếm tới 15-22%. Vì vậy, thời điểm này, khi nhiều loại phân bón tăng giá từ 30-40%, gia đình bà Trần Thị Tám ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ đang trăn trở trong việc tiêu thụ lúa gạo vụ xuân năm nay. Bà Tám trăn trở: “Năm ngoái cũng tăng, nhưng mà tăng ít. Năm nay lại tăng lên nữa. Các loại lúa lại thu nhập nhập nữa. Phân gio thì đắt, làm ăn cũng khó khăn”.

Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, tăng gần 30%/bao 25kg. Trong khi đó, thức ăn chiếm 70-80% trong tổng cơ cấu giá thành. Do đó, nếu giá cám tiếp tục tăng và giá thịt hơi vẫn ở mức thấp, thì nguy cơ người chăn nuôi lỗ nặng. Vì vậy, đối với gia đình bà Hoàng Thị Lan ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, việc tái đàn như nào cho phù hợp là điều băn khoăn trong lúc này. Bà Lan chia sẻ: “Cũng phải xem xét, bây giờ không thể vào ồ ạt như thời gian trước”.

Giá vật tư nông nghiệp tăng gần gấp đôi, xăng, dầu cũng tăng mạnh, trong khi đầu ra của nông sản lại bấp bênh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên đối với những người sản xuất, kinh doanh, việc tiêu thụ và cân đối giá cả cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Lương: “Như bây giờ, lợi nhuận bị thấp đi, chênh lệch đầu vào và đầu ra không rõ rệt”.

Bà Hoàng Thị Hải, HTX Nông sản an toàn Liên Minh, Võ Nhai, cũng chia sẻ mong muốn: “Giá phân tăng 50%, nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước về chương trình phân bón cho bà con là tốt nhất”.

Sản xuất nông nghiệp trong cơn “bão giá”
Nông dân dè dặt hơn khi đầu tư sản xuất.

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao thì nông dân là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất, từ những hộ sản xuất quy mô nhỏ cho đến các đơn vị sản xuất quy mô lớn. Vì vậy, thời điểm này người dân cần thay đổi thói quen sử dụng phân trong sản xuất và thay đổi cơ cấu nguồn thức ăn trong chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nông dân cần tìm hiểu nguồn phân bón thay thế: “Sử dụng lượng phân hữu cơ, vi sinh thay thế 1 phần hoặc 50% lượng phân bó vô cơ như phân đạm, lân, kali… Thứ hai là tận dụng các dòng phân bón hữu cơ tại địa phương, các phết thải nông nghiệp, rác thải nông thôn, cây phân xanh… Người dùng kết hợp men vi sinh, sinh học để ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây, thì có thể giảm 30-50% lượng phân hóa học”.

Còn bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thuỷ sản tỉnh cũng cho rằng, cần chủ động và tận dụng các nguồn nguyên liệu phụ phẩm sản xuất nông nghiệp: “Bà con chủ động trong việc phối trộn các loại thức ăn, như là mua các thức ăn đậm đặc để tự phối trộn, để tận dụng các nguyên liệu phụ phẩm có sẵn trong sản xuất nông nghiệp địa phương và chủ động sản xuất các loại thức ăn”.

Trước tình hình “bão giá” như hiện nay, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần tăng cường sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạn chế tối đa chi phí sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước cũng sớm có những giải pháp bình ổn giá cả thị trường trong sản xuất nông nghiệp./.