Renault trì hoãn trả lời đề xuất sáp nhập của Fiat Chrysler
Kế hoạch này vấp phải những chỉ trích mới từ tổ chức đại diện người lao động tại Renault cũng như những nghi ngờ từ đối tác Nissan. Chính phủ Pháp cũng đang đặt ra những điều kiện với thỏa thuận này, bao gồm sự đảm bảo việc làm và thiết lập trụ sở tại Pháp.
Hội đồng quản trị của Renault đã nhóm họp lần nữa vào cuối ngày hôm qua theo giờ địa phương, để “tiếp tục nghiên cứu” đề nghị sáp nhập được FCA đưa ra hồi tuần trước.
Trước đó, ngày 4/6, hội đồng quản trị Renault cũng đã tiến hành đánh giá bản đề xuất của FCA, nhưng chưa đưa ra được kết luận. Công ty không giải thích rõ lý do tại sao, nhưng một quan chức chính phủ Pháp cho biết, các thành viên trong hội đồng không muốn vội vàng tham gia thỏa thuận, mà đang tìm kiếm sự đồng thuận từ tất cả các bên liên quan tới thương vụ sáp nhập tiềm năng này.
AP dẫn lời quan chức giấu tên này cho biết, thỏa thuận cần phải tuân thủ các điều kiện được Bộ trưởng Tài chính Pháp nêu ra trước đó.
Nếu hội đồng quản trị của Renault đồng ý với đề nghị của Fiat Chrysler, điều này sẽ mở đường cho một bản ghi nhớ không ràng buộc, khởi động cho quá trình đàm phán sáp nhập. Quá trình tiếp theo, bao gồm việc tham vấn các nghiệp đoàn, chính phủ Pháp, cơ quan chống độc quyền và các cơ quan quản lý khác, dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng một năm.
Thương vụ sáp nhập này hứa hẹn sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 thế giới, với trị giá 40 tỷ USD và có sản lượng ô tô 8,7 triệu xe/năm, tức là vượt qua General Motors (GM), chỉ thua kém Volkswagen và Toyota.
Nếu phạm vi của thương vụ sáp nhập mở rộng ra toàn liên minh Nissan - Mitsubishi, thành quả sẽ là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Cả Pháp và Italy đều được coi là đối tượng hưởng lợi lớn trong thương vụ sáp nhập này, bởi nó sẽ giúp doanh nghiệp của cả hai nước tiết kiệm 5,6 tỷ USD mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, hãng xe Nissan sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua thiệt. Công ty Nhật Bản - thành viên của liên minh hùng mạnh với Renault và Mitsubishi - hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn kể từ khi cựu CEO Carlos Ghosn bị bắt giữ hồi tháng 11 năm ngoái.
CEO Nissan Hiroto Saikawa mới đây đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng công ty của ông tham gia vào vụ sáp nhập giữa Renault và Fiat Chrysler, thay vào đó, ông này đưa ra gợi ý về việc bổ sung thêm Fiat Chrysler vào liên minh lỏng lẻo hiện có giữa Renault, Nissan và Mitsubishi.
Trong một tuyên bố chính thức, ông Saikawa cho biết, thỏa thuận giữa Renault với Fiat Chrysler sẽ làm thay đổi đáng kể cấu trúc của mối quan hệ đối tác lâu năm giữa Nissan với Renault. Do đó, Nissan sẽ phân tích các mối quan hệ của mình, để bảo vệ lợi ích của công ty.
Nissan được cho là đã không được tham vấn về thỏa thuận này, và trước vụ bắt giữ Ghosn, hãng xe Nhật Bản cũng đã từ chối ý tưởng về một vụ sáp nhập hoàn toàn với Renault. Nhà cựu lãnh đạo trong khi phủ nhận các cáo buộc về sai phạm tài chính, thậm chí còn cho biết, những người phản đối kế hoạch sáp nhập tại Nissan đã âm mưu chống lại ông.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cảnh báo, việc quản lý một công ty đa quốc gia quy mô lớn sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi người lao động lo ngại, thương vụ này có thể dẫn tới sự cắt giảm việc làm.
Nghiệp đoàn CGT của Renault đã chỉ trích ban lãnh đạo công ty vì không tham khảo ý kiến của đại diện các nghiệp đoàn trong các cuộc đàm phán, và gọi vụ sáp nhập này là hành động gây tổn hại cho Renault, nền tảng kỹ thuật, sức mạnh công nghiệp và người lao động của hãng.
Một tuyên bố của CGT thậm chí đã gọi ý tưởng sáp nhập này là “món quà cho gia đình Agnelli” - cổ đông hàng đầu của Fiat. Theo CGT, Renault là công ty có nền tảng mạnh hơn, và thỏa thuận này sẽ khiến hãng phải trao đi công nghệ xe điện tiên tiến hơn, trong khi không nhận được sự bù đắp tương xứng.
Nghiệp đoàn cũng đặt nghi vấn về lập luận tiết kiệm chi phí của Fiat Chrysler và cho rằng các phương tiện mà 2 hãng xe sản xuất có quá nhiều điểm khác biệt, để có thể chia sẻ công nghệ. Trong khi đó, việc sáp nhập sẽ đe dọa liên doanh hiện nay với Nissan, vốn phải mất rất nhiều năm mới có thể bắt đầu đem lại hiệu quả về mặt chi phí.