Quốc hội thảo luận về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng
Tổ thảo luận Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Trong chương trình làm việc ngày thứ ba của Kỳ họp bất thường, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.

Nhấn mạnh đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến cụ thể một số vấn đề, như: Cần rà soát doanh mục các dự án đầu tư kết cầu hạ tầng, đảm bảo những dự án quan trọng, có tính khả thi; các dự án có khả năng giải ngân và hấp thụ nhanh vào nền kinh tế được ưu tiên đưa vào danh mục. Liên quan tới chính sách giảm thuế được trình trong dự thảo nghị quyết, cần phải quy định rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa. Một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ hơn đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trong danh mục đề xuất, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo đó, đáng chú ý, Chính phủ đề xuất cho TP Cần Thơ được được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách mà thành phố được hưởng theo phân cấp. Đồng thời, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Nhấn mạnh các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người, các đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc: Có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.