Quốc hội thảo luận về 2 dự án luật (Sửa đổi)
Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi) và Dự án Luật phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi).

Cho ý kiến đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập cả về nội dung và hình thức, vai trò giám sát, phản biện của người dân, người lao động chưa rõ. Bởi vậy, các ý kiến đề nghị cần quy định rạch ròi, nội dung, phương thức nhiệm vụ quyền hạn để cho công chức viên chức, người lao động thực hiện phát huy dân chủ; cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát để thống nhất triển khai trong thực tế.

Về Dự án Luật phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý, cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình. Ngoài ra, để luật đi vào cuộc sống khi được thông qua, cần nhận diện rõ và rà soát đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình hiện nay.

Trong chương trình làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động và các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023./.