Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và dự án Luật
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại Tổ đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tích cực thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 03 năm 2022-2024.

Thảo luận các nội dung nêu trong báo cáo, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong công tác điều hành, chỉ đạo, đặc biệt là các giải pháp quyết liệt, linh hoạt về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy thời gian đầu, chiến lược vắc xin còn lúng túng, song Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp để làm tốt hơn vấn đề này. Cùng với đó, nhiều giải pháp chưa có tiền lệ, như huy động một lực lượng lớn quân đội, y tế tham gia chống dịch tại các địa phương tâm dịch.

Đánh giá cao Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại; đưa ra nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị bổ sung vào báo cáo một số vấn đề, như: đối với những tỉnh làm tốt công tác phòng dịch, mà vẫn giữ được đà tăng trưởng cần đánh giá, rút ra kinh nghiệm và có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời; cần xem xét lại việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vì việc thực hiện Nghị quyết này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp thiết thực và hiệu quả, giúp các tỉnh bảo vệ thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Ngoài ra, đối với việc xác định quy định tỉnh, thành đặc thù, cần có quy hoạch và tiêu chí cụ thể để các địa phương tự xem xét, đánh giá, xây dựng đề án, không nên có quá nhiều tỉnh đặc thù, nếu không sẽ trở thành phổ biến. Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm, đánh giá tâm lý con người sau đại dịch COVID -19, đặc biệt là công tác từ thiện để có hành lang pháp lý phù hợp. Liên quan tới vấn đề giáo dục đào tạo, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, có báo cáo đánh giá sơ bộ về chất lượng dạy và học online, gửi đến các đại biểu Quốc hội trong tháng 11 này; các đại biểu cũng cho rằng giá sách giáo khoa hiện nay đang ở mức cao, Chính phủ cần nghiên cứu trợ giá hỗ trợ người dân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe trình bày các tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tiếp tục thảo luận tổ về 2 dự án luật trên./.