Quan tâm, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Sau hơn 2 năm chăm sóc, con bò của gia đình chị Trần Thị Lâm đã bắt đầu sinh sản.

Là một trong số những hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của huyện Đại Từ. Đến nay sau hơn 2 năm chăm sóc, con bò của gia đình chị Trần Thị Lâm đã bắt đầu sinh sản.

Chị Trần Thị Lâm, xóm Lưu Quang 4, xã Minh Tiến, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Được nhà nước hỗ trợ gia đình tôi mua giống bò về nuôi, chăm sóc mong đến ngày sinh sản, mong muốn sau này có nguồn kinh tế khá hơn".

Công trình sinh hoạt nước tự chảy ở xóm Cây Thống, xã Phúc Lương được đầu tư theo chương trình 134, từ nhiều năm nay công trình này đã cung cấp nước cho hơn 20 hộ dân ở đây, giúp giải quyết vấn đề nước sạch cho bà con.

Bà Đào Thị Trâm, Trưởng xóm Cây Thống, xã Phúc Lương, Đại Từ, Thái Nguyên nói: "Công trình nước sạch của tỉnh từ lúc tu sửa lại thì tình hình cung cấp nước cho bà con đủ tiêu dùng".

Trong giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn hơn 130 tỷ đồng của chương trình 135, huyện Đại Từ đã thực hiện hỗ trợ cho gần 6.000 hộ để phát triển sản xuất, nhân rộng 6 mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 650 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số cùng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số chính sách còn bất cập và hạn chế.

Ông Lý Văn Bình, Phó chủ tịch HĐND xã Phúc Lương, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Hỗ trợ đầu thu mặt đất đối với vùng sâu vùng xa, có chỗ thu rất tốt, có chỗ lại không thể thu được, cho nên cái này hiện tại không phù hợp lắm. Đối với địa phương, bà con nhân dân cũng mong muốn tới đây các cấp có thẩm quyền cung cấp đầu thu tốt hơn nữa".

Bà Đàm Thị Hồng Nhung, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết thêm: "Chính sách hỗ trợ về tiền điện đối với cơ quan tham mưu tôi cảm thấy hơi bị dàn trải, vì như thế không thể hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nghèo thoát nghèo. Nếu Nhà nước có nguồn kinh phí thì vẫn tiếp tục hỗ trợ về tiền điện, đồng thời sẽ hộ trợ thêm các chính sách khác như mô hình giảm nghèo, đặc biệt là mô hình mang tính chất đầu tư tập trung, ít đối tượng và thoát nghèo bền vững".

Mong rằng trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục phát huy được hiệu quả trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, đặc biệt là việc triển khai các chính sách cần phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như nhu cầu giảm nghèo của người dân.