Mỹ đang bị đặt vào thế khó khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ về kinh tế và quân sự. Tuyên bố được ông Duterte đưa ra trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 20/10. Dẫu vậy, trước các nỗ lực chuyển hướng nghiêng về Trung Quốc của Philippines, chính phủ Mỹ vẫn tái khẳng định, liên minh Mỹ- Philippines dựa trên lịch sử 70 năm cũng như lợi ích an ninh chung.

quan he my philippines xuong muc thap nhat trong 70 nam

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)

Phát biểu nhân chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng ít nhất 200 doanh nhân nhằm chuẩn bị cho một liên minh thương mại mới giữa lúc xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ đồng minh với Mỹ, Tổng thống Philippines tuyên bố “chia tay” Mỹ cả trong lĩnh vực quân sự, xã hội và kinh tế, đồng thời thống nhất giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán với Trung Quốc.

Tuy nhiên quyết định bất ngờ của ông Duterte lại làm dấy lên mối quan ngại mới trong quan hệ với Mỹ. Bởi lâu nay chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn coi Philippines là một đồng minh quan trọng trong chính sách tái cân bằng tại châu Á.

Kể từ khi nắm giữ vai trò chèo lái đất nước Philippines hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Duterte được cho là đang theo đuổi cách tiếp cận độc lập, tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ và “xoay trục” sang Nga và Trung Quốc. Theo giới quan sát, một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi trong hướng tiếp cận chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo này được cho là bởi Mỹ đã nhiều lần chỉ trích và lên án chiến dịch chống ma túy do ông Duterte khởi xướng.

Bất chấp quan hệ đồng minh thân cận suốt hàng chục năm qua giữa hai nước, Tổng thống Philippines Duterte gần đây liên tục dọa “đường ai nấy đi” với Mỹ. Động thái bất ngờ của Manila khi tuyên bố “chia tay” người bạn Washington không chỉ khiến giới chức Mỹ lúng túng mà còn khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác khác của Mỹ trong khu vực không khỏi băn khoăn mối quan hệ đồng minh truyền thống khăng khít bấy lâu nay giữa hai nước này sẽ đi về đâu.

Phản ứng trước tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định: “Rõ ràng và tất nhiên là chúng tôi ý thức được những lời nói của ông Duterte, nhưng nó dường như vẫn mâu thuẫn một cách khó hiểu với mối quan hệ rất gần gũi mà Mỹ đang thiết lập với người dân cũng như chính phủ Philippines trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần xét từ góc độ an ninh.

Chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng thống Duterte giải thích chính xác về ý nghĩa câu nói của ông khi tuyên bố chia tay Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa rõ về ý nghĩa thực sự của câu nói đó cũng như ngụ ý đi kèm”.

Cũng theo vị quan chức này, Mỹ vẫn chưa chấm dứt các cam kết của nước này trong các hiệp ước quốc phòng chung với Philippines, đồng thời hy vọng quan hệ đồng minh song phương vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong thời gian tới.

Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ Mỹ Ned Price một lần nữa tái khẳng định liên kết truyền thống giữa hai nước, nhấn mạnh liên minh Mỹ - Philippines được xây dựng trên lịch sử 70 năm và cộng đồng người Mỹ gốc Philippines, cũng như các lợi ích an ninh chung. Cũng theo người phát ngôn này, Mỹ cam kết vẫn là một trong những đối tác kinh tế mạnh nhất của Philippines.

Phát ngôn mới nhất của Tổng thống Philippines chỉ cách cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3 tuần càng khiến quan hệ của hai quốc gia đồng minh thân cận này thêm bấp bênh.

Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, dù tính khí thất thường của ông Duterte có thể đang khiến mối quan hệ Mỹ- Philippines bị đẩy xuống mức thấp nhất suốt 70 năm qua, nhưng Mỹ sẽ phải sáng suốt khi đưa ra các lựa chọn và cân nhắc rất kỹ nếu muốn gạt bỏ mối quan hệ này bởi Philippines luôn đóng vai trò trung tâm trong chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á cũng như trong việc ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc./.