Phục chế tượng đất - nét độc đáo của chùa cổ ở Thái Nguyên
Tượng đất sét tại Chùa Úc Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Phục chế cho các bức tượng đất không may bị hỏng, phai màu với thời gian tại chùa cổ Úc Sơn tuy không công phu như đắp tượng nhưng đòi hỏi người thợ phải có gu thẩm mỹ, có kiến thức về điêu khắc và mỹ thuật… Gắn bó hơn 20 năm với nghề, nhiều khi anh Phạm Văn Bình (làng nghề Vũ Lăng, Thanh Oai, Hà Nội) thường xuyên xa nhà đến 2-3 tháng và phải lựa thời tiết để phục chế nhưng niềm đam mê gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đã thôi thúc anh và các nghệ nhân của làng nghề hết mình với công việc.

Anh Phạm Văn Bình tâm sự: “Tôi làm các đình chùa nhiều, đặc biệt ở Chùa Úc Sơn này vẫn giữ được tượng đất ngày xưa. Mình làm nghề nên rất muốn gìn giữ những nét cổ ngày xưa của các cụ để lại… cũng để học hỏi để tái tạo, bổ sung thêm, gìn giữ nét truyền thống”.

Chất liệu để phục chế cho 1 pho tượng đất gồm giấy bạc , sơn ta, đất sét, mùn cưa và phải có bí quyết riêng để tạo ra một hỗn hợp đặc trưng cho quá trình phục chế. Anh Bạch Văn Kế, làng nghề Vũ Lăng, Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Trong tượng có chất liệu mà mối mọt không ăn được, như sơn nam rất đắng…”.

Hiện tại, trên cả nước còn rất ít chùa giữ được tượng đất như chùa cổ Úc Sơn, để phát huy giá trị của di tích cũng như giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này thì rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành.

Đại đức Thích Thánh Nghĩa, Trụ trì Chùa Úc Sơn, Phú Bình cho biết: “Theo nhu cầu của nhân dân, chúng tôi đã vận động các phật tử để tu bổ lại chùa khang trang, tượng Phật thật tướng hảo. Khi chúng tôi làm một khóa lễ cảm thấy rất hoan hỷ và nhất tâm”.