Phiên họp thứ 48 của UBND tỉnh Thái Nguyên
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đồng thời cho ý kiến đối với 12 nội dung Báo cáo, Tờ trình, Đề án của UBND tỉnh, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh.

Trong đó có nhiều nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến như: Báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19; Tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài Ngân sách; Tờ trình về quy định mức thu học phí các trường Công lập năm học 2021 - 2022; Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, giai đoạn 2021 - 2025 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Đối với tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu đạt 2,45 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách từ đầu năm đến nay đạt khoảng 4.677 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ; Cấp mới đăng ký kinh doanh cho 275 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 2.277 tỷ đồng; Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo trồng đạt khoảng 47,3 nghìn ha cây hàng năm, diện tích lúa xuân đạt trên 29 nghìn ha, bằng 102,8% kế hoạch. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong tháng 4/2021, đã xảy ra bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh lở mồm long móng ở trâu, lợn để hạn chế dịch bệnh lan rộng, các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch được địa phương tích cực triển khai. Do đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm vẫn có sự tăng trưởng ổn định. Đối với công tác phòng, chống thiên tai, trong 4 tháng qua đã xảy ra 02 đợt thiên tai gây thiệt hại về tài sản và làm 02 người bị thương. Ước thiệt hại khoảng 3,3 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay các phương án ứng phó, khắc phục thiệt hại. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh của công dân được quan tâm thực hiện theo quy định. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng; Các chính sách dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định.

Kết quả xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019.

Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Đối với các dự án đầu tư công, các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Tích cực triển khai xây dựng các Chương trình, Đề án, Kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đặc biệt là nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp; nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy; nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để có phương án xử lý kịp thời. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, có phương án phòng chống thiên tai; kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Thời gian đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp không còn nhiều, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải quyết liệt vào cuộc thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm tiến độ thời gian, theo quy trình, quy định. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác phục vụ bầu cử, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương và đối ngoại. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường công tác nắm tình hình, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh khóa XIII xem xét, ban hành, triển khai thực hiện theo quy định.