Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của quốc hội
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, ngoài 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của Kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của Nhân dân, cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tổ và hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy hoặc khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Nhân dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với tinh thần làm việc hết sức tập trung, tâm huyết, thẳng thắn, cầu thị, sử dụng hiệu quả thời gian, tuân thủ nghiêm túc quy định của nội quy Kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Các vấn đề quy hoạch và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động; làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn tăng cao…là những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Tham gia chất vấn đối với nhóm vấn đề này, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Đại biểu Lý Văn Huấn nêu quan điểm về vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: "Rất nhiều đại biểu đã chất vấn liên quan đến tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tôi quan tâm đến vấn đề là chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, mà quy định này đã được quy định tại Bộ luật Dân sự cũng như Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về vấn đề trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân gì mà theo Bộ trưởng nói chưa xử lý được hình sự trường hợp nào, nguyên nhân là do cơ chế hay do quy định của pháp luật. Giải pháp tới đây về vấn đề sửa Luật Bảo hiểm thì Bộ trưởng có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm vấn đề này?"

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời đã lời phần chất vấn của đại biểu: "Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa xử lý được một trường hợp nào theo luật hình sự. Bởi vì dù luật Hình sự, luật Bảo hiểm đã có quy định, thậm chí Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết 05, nhưng hiện nay do chưa có sự thống nhất về nội hàm giữa trốn đóng với chậm đóng bảo hiểm, chưa phân biệt được rõ 2 khái niệm này do đó không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố"

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của quốc hội
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ tình trạng trốn đóng, hồ sơ giả… thời gian vừa qua đã được xử lý một cách quyết liệt. Đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi, mạo danh hồ sơ thời gian vừa qua đều được thanh tra, xử lý về cơ bản, do đó tình trạng này có giảm đi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: "Riêng thanh tra của Bộ thời gian vừa qua đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt. Chưa bao giờ mà 2 năm qua làm quyết liệt thế. Báo cáo với Quốc hội là ngay cả trong kế hoạch năm 2023 thì chúng tôi đã phải dành 1/3 số đoàn để thanh tra những vấn đề xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội"

Bộ trưởng đề cập tới 5 giải pháp căn bản: Đó là tập trung vào tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động vì đây là lợi ích; tập trung vào sửa đổi hệ thống, nhất là các quy phạm pháp luật, kể cả luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị định xử phạt, xử lý vi phạm; Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu dân cư và cuối cùng là vấn đề minh bạch thông tin cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thêm: "Hiện nay tại sao người lao động không được biết về bảo hiểm của mình, chậm đóng 1 tháng không được biết, 3 tháng không được biết. Bây giờ phải làm sao để cập nhật thông tin này, đến thời hạn mà người lao động chưa thấy công ty, doanh nghiệp, đơn vị đóng cho mình thì phải thông tin ngay để kiểm tra"

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc với các vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030)

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của quốc hội

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan./.