Phát triển sản phẩm số của sinh viên
SVOnline đã trở thành công cụ hữu hiệu đảm bảo thông tin 2 chiều giữa Đại học Thái Nguyên và hơn 35 nghìn sinh viên

Chỉ bằng một vài thao tác trên ứng dụng SVONLINE - một sản phẩm công nghệ của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã có thể hoàn tất việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của nhà trường trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

ThS. Bùi Anh Tú, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên chia sẻ: "Sau một tuần chúng tôi triển khai ứng dụng thì hầu hết sinh viên khối đại học đã hưởng ứng, cung cấp tình hình khỏe để nhà trường nắm bắt được. Đại học Thái Nguyên đã nắm bắt được thường xuyên tình hình sức khỏe của sinh viên, các chỉ số về sức khỏe hiển thị liên tục theo thời gian khi có sinh viên cập nhật tình hình sức khỏe".

Trong thời gian phải tạm nghỉ học so diễn biến của dịch bệnh Covid-19, SVOnline đã trở thành công cụ hữu hiệu đảm bảo thông tin 2 chiều giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đại học Thái Nguyên và hơn 35 nghìn sinh viên đang cư trú ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác HSSV, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Công nghệ đã giúp cho công tác cải cách thủ tục hành chính, thông tin nhanh gọn. Trên cơ sở có thông tin, nhà trường sẽ hỗ trợ, tư vấn được kịp thời. Các thầy cô cũng giảm tải áp lực về công tác quản lý".

Phát triển sản phẩm số của sinh viên
SV.Net là ứng dụng phổ biến nhất trong sinh viên Đại học Thái Nguyên

Vài năm trở lại đây, các phong trào hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên đã bắt đầu được đẩy mạnh trên các hạ tầng số. Đặc biệt, thông qua những ứng dụng do chính sinh viên tạo ra, đã giúp cho việc triển khai các hoạt động được hiệu quả hơn. Với mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu, phục vụ cho các hoạt động của hội sinh viên, ứng dụng SV.Net được đưa vào sử dụng cách đây 3 năm, đây cũng là ứng dụng phổ biến nhất trong sinh viên Đại học Thái Nguyên.

TS. Nguyễn Quang Đông, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết: "Khi tổ chức một hoạt động chúng tôi biết rõ và quản lý trên phần mềm đến từng người tham gia như thế nào. Qua đó giảm thiểu gần như triệt để việc phải báo cáo chi tiết, vì đã có phần thống kê trên phần mềm. Tính hiệu quả hoạt động do sinh viên đánh giá bằng việc tích vào các dấu sao...".

Chuyển đổi số đang trở thành vấn đề thời sự, mang tính then chốt cho sự phát triển trên các lĩnh vực. Mới đây, BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thông qua dự thảo Nghị quyết Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với thế mạnh của trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, số lượng hơn 40 nghìn sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên triển khai và sớm thực hiện thành công các mục tiêu về chuyển đổi số.