phat trien mo hinh trong dua luoi huu co da ps
Mô hình vườn dưa lưới hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Duy Tiên ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên

Trước đây, diện tích đất trồng dưa của gia đình ông Nguyễn Duy Tiên không mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi vẫn trồng theo phương thức truyền thống. Được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cùng với ý chí “dám nghĩ dám làm” của người nông dân, ông đã đầu tư gần 400 triệu đồng để xây dựng và phát triển mô hình trồng dưa lưới hữu cơ.

Phóng viên: Thưa ông, được biết trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên đòi hỏi điều kiện kỹ thuật và nguồn vốn lớn, vậy vì sao ông vẫn xây dựng mô hình này?

Ông Nguyễn Duy Tiên: Qua tìm hiểu trên thị trường, tìm hiểu trên mạng, tôi thấy kết quả tương đối cao; nếu đầu tư vào sẽ cố gắng làm để có thêm thu nhập.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ các quy trình kỹ thuật để trồng và chăm sóc giống dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao nhất?

Ông Nguyễn Duy Tiên: Về quy trình, làm đất phải lên luống, mỗi luống 1m, rãnh 1,2m, trộn phân vào luống, sau đó đảo đều lên, phủ ni lông, sau đó làm lỗ để trồng. Sau 20 ngày bắt đầu thụ phấn hoa, mỗi ngày tưới cây 2 lần, mỗi lần 15 - 20 phút. Khi chọn được quả ưng ý thì treo quả đó lên, đồng thời cắt tỉa cành, tất cả ngọn ra mầm cắt hết chỉ nuôi quả.

Phóng viên: Theo ông thì công đoạn nào là khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất?

Ông Nguyễn Duy Tiên: Quá trình thụ phấn trong thời tiết nóng hơi vất vả, phải đi từng cây, thụ phấn hết 3 - 5 hoa/1 cây, quả nào đẹp thì lấy, quả nào xấu thì cắt bỏ, công đoạn thụ phấn tương đối dài (hơn 1 tuần), bắt buộc phải từ 9 giờ trở đi mới thụ được phấn.

Phóng viên: Để tiêu thụ giống dưa này được thuận lợi, ông có mong muốn gì?

Ông Nguyễn Duy Tiên: Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về chứng nhận VietGap; đồng thời, đưa sản phẩm vào thị trường ổn định.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!