Phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái
La Bằng vùng chè nổi tiếng của huyện Đại Từ đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái trải nghiệm thú vị trong hành trình du lịch cộng đồng

Phát huy thế mạnh sản phẩm chè đặc sản La Bằng nổi tiếng, Công ty Cổ phần Chè Hà Thái đã phát triển Khu vực chế biến cũng như vùng chè nguyên liệu lớn trên đồng đất nơi đây. Không chỉ giúp chế biến tinh sâu mà còn giúp công ty triển khai du lịch trải nghiệm vùng chè. Mỗi tháng, công ty đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngoài việc được tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, khách đến với vùng chè còn được tự tay hái chè, sao chè, pha trà, thưởng thức trà với hương vị đặc trưng riêng có của vùng đất La Bằng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Hà Thái khẳng định: “Du lịch trải nghiệm thì chúng ta sẽ thu lợi nhuận kép. Thậm chí nó tăng 3-5 lần như trải nghiệm tham quan thắng cảnh, ăn, nghỉ, mua sắm..lúc bấy giờ thu nhập của người dân sẽ tăng”.

Cũng là một hợp tác xã sản xuất và chế biến chè, Hợp tác xã Chè Thịnh An không chỉ có cơ sở sản xuất hiện đại mà còn là một trong những vùng chè thu hút và hấp dẫn du khách đến trải nghiệm. Du khách đến đây được hòa mình vào công việc của bà con vùng chè cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng.

Du khách đến từ Cao Bằng chia sẻ: “Bước chân đến vùng chè này tôi cảm thấy thiên nhiên, khí hậu ở đây trong lành. Người dân ở đây làm chè rất quy mô”.

Bà Vũ Thị Thanh Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Cố gắng làm sao để mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn, để khẳng định chè của thị trấn Sông Cầu trong đó có Thịnh An, hướng tới sản phẩm tốt đưa ra thị trường”.

Không sử dụng chất độc hại, đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình chăm sóc, đây chính là tiêu chí người dân tại Vùng Bưởi Lương Phú, huyện Phú Bình đang phấn đấu để đưa thương hiệu sản phẩm địa phương đi xa hơn. Cũng nhờ vị ngon, ngọt của bưởi mà những năm trở lại đây, Lương Phú trở thành một địa điểm được quan tâm nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Đinh Thị Ngân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình khẳng định: “Xây dựng được những thương hiệu như thế thì gắn với một chuỗi sản xuất nông nghiệp và du lịch. Qua đó, sản phẩm sẽ được tiêu thụ thông thoáng hơn và giá cả tương đối hơn”.

Phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái
Người dân và các hợp tác xã nông nghiệp đang cần được hướng dẫn các kỹ năng về tổ chức du lịch cộng đồng

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên ngày càng thu hẹp do phục vụ các dự án công nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người dân thì việc lựa chọn phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là một trong những giải pháp, hướng đi cần được chú trọng khai thác để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn ít, đa phần các mô hình mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn. Đặc biệt, người dân vẫn chưa có các kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng. Vì vậy, để hỗ trợ người dân, hợp tác xã làm du lịch cộng đồng, các ngành chức năng cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.

Ngoài ra, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, đẩy mạnh thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian tới, trong các chỉ đạo địa phương, cần quan tâm để làm sao có được hình mẫu, xóm mẫu và liên kết các hộ gia đình lại, để cả cộng đồng đáp ứng được các tiêu chí về du lịch”.

Có thể thấy, các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông mà còn tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ./.