Phát triển kinh tế dưới tán rừng ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Việt Nam có khoảng 7.000 loài cây thuộc nhóm Lâm sản ngoài gỗ và hàng trăm loài làm thực phẩm, trong đó miền núi phía Bắc chiếm tới trên 70%. Các mặt hàng Lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh như sản phẩm mây tre, bình quân khoảng 30%/năm trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 608 triệu USD năm 2020. Sản phẩm quế, hồi tăng bình quân khoảng 50%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 245 triệu USD; dược liệu khoảng 90-110 triệu USD/năm

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận đưa ra những ý tưởng, giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh về các giá trị của hệ sinh thái rừng; cân bằng giữa tính bền vững với việc khai thác, sử dụng thông qua Luật Lâm nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh: Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát. Các địa phương cần khai thác có kiểm soát, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng để phát triển kinh tế bền vững dưới tán rừng.

Tại Thái Nguyên, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng như mô hình trồng cây dược liệu, mô hình trồng rừng gỗ lớn… Để phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh Thái Nguyên xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới 2.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 5.000 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần phát triển rừng ngày càng bền vững.