Phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trước đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự chênh lệch lớn giữa khu vực nông thôn và đô thị, giữa các địa phương vùng núi và đồng bằng. Nhiều tuyến đường vào các xóm chưa được đầu tư, nhất là ở các xóm vùng sâu, vùng xa. Đây là trở ngại rất lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực này. Đến nay, phần lớn đường giao thông nông thôn thuộc các huyện vùng cao Định Hóa, Đồng Hỷ hay Võ Nhai cơ bản đã được bê tông hóa, qua đó giúp bà cao phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
![]() |
Hạ tầng giao thông các xã khó khăn đang được đầu tư xây dựng |
Tuyến đường Hoàng Then – Nước Hai, tổng chiều dài trên 3km chạy qua địa bàn xóm Tân Tiến, xã Cúc Đường với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng được triển khai từ cuối năm 2022. Đây là tuyến đường được mở mới giúp nhân dân xã Thần Sa có thể đi ra xã Cúc Đường mỗi khi mùa mưa đến tràn bị ngập nước. Cùng với hơn 20 hộ dân người đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống dọc tuyến đường này, gia đình anh Hoàng Văn Trường đã chủ động di dời nhà sang nơi ở mới phục vụ việc thi công công trình.
Anh Hoàng Văn Trường - Xóm Tân Tiến, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: Tôi có ngôi nhà nhỏ nằm trên con đường này nhưng khi xã làm đường tôi đã dỡ nhà đi. Bà con ai cũng mong muốn con đường mới xây xong sớm để việc đi lại được thuận tiện hơn.
Nhờ lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và sự đồng thuận của nhân dân, trong thời gian qua, những tuyến đường giao thông được đầu tư và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp đời sống nhân dân nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thay đổi.
Theo anh Lý Thuyết Trình - Xóm Bình Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, đường ngày xưa đi lại rất khó khăn, trẻ con đi học còn phải gửi xe nhà người khác còn đường mới tạo nhiều thuận lợi, việc làm ăn sẽ dễ dàng hơn
Xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ hiện có 114 hộ dân sinh sống trong đó có 50 hộ là người đồng bào dân tộc Mông, nhiều năm qua, ngoài hệ thống trục giao thông chính của xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang theo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2022, hơn 200 mét đường giao thông liên xóm cũng được bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con thuận lợi hơn.
Ông Dương Văn Sình - Trưởng xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết rằng: Từ lúc đường bê tông mới được làm thì bà con cảm thấy rất phấn khởi, cũng đồng tình cao với chủ trương hiến đất làm đường.
Ông Liễu Kim Quảng - Quyền Chủ tich UBND xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên thông tin thêm: Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo việc làm đường và đến giờ đường bê tông của xóm đã hoàn thành. Năm 2023, xã chủ trương sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa – thể thao của xóm để phục vụ sinh hoạt văn hóa-tinh thần của người dân
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch dành gần 2.000 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần của chương trình với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đây sẽ là đòn bảy quan trọng góp phần tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hơn nữa đời sống cho nhất dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.