Phát triển hạ tầng giao thông gắn với xây dựng nông thôn
Tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Phủ Lý đi Yên Đổ, huyện Phú Lương có tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng

Tuyến đường giao thông nông thôn liên xã dài gần 500m từ xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý đi xóm Khe Thương, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021, tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Tâm, xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, Phú Lương, Thái Nguyên thông tin: “Tuyến đường này trước kia bé lắm, chỉ khoảng 1m thôi, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn… hai xã Phủ Lý và Yên Đổ chủ yếu phát triển kinh tế đồi rừng, tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp người dân hai xã đi lại thuận tiện, giao thương phát triển kinh tế”.

Xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, biểu dương kịp thời các tập thể, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp tích cực trong việc hiến đất làm đường giao thông.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng xóm Y Na, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Ngoài việc đóng góp của bà con thì anh em họ hàng, con cháu đi công tác, ở các địa phương lân cận cũng về ủng hộ thêm cho bà con để hoàn thành con đường”.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, Đồng Hỷ cho biết thêm: “Làm tốt công tác vận động nhân dân, thứ nhất là hiến đất để mở rộng đường, thứ hai là đóng góp đối ứng cùng với Nhà nước để thi công”.

Tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp gần 11.000km đường giao thông nông thôn, khoảng 90% số xã đã đạt tiêu chí giao thông. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp ngành và địa phương trong tỉnh, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Lương: “Quan tâm xây dựng đường giao thông mang tính chất kết nối liên vùng giữa các xã, thị trấn tạo điều kiện cho người dân đi lại giao thương thuận lợi, góp phần phát triển KT-XH của địa phương”.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Định Hóa: “Vấn đề quản lý chất lượng các công trình, công tác giải phóng mặt bằng là ưu tiên tập trung cao và bám sát với bà con nhân dân nơi triển khai công trình để vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng, vừa triển khai đáp ứng mục tiêu đề ra”.

Hiện nay, nhu cầu cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn tại một số xã, thôn khu vực vùng sâu, vùng xa là rất lớn và cấp thiết. Do vậy, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thúc đẩy chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân cùng làm, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo động lực để Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững./.