Phát huy vai trò nòng cốt của hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể
Đến năm 2025, Thái Nguyên phấn đấu thành lập mới trên 100 hợp tác xã, phát triển thêm 5 liên hiệp hợp tác xã mỗi năm

Mặc dù gặp phải khó khăn do đại dịch COVID 19, nhưng sản lượng xuất bán của Hợp tác xã miến Việt Cường ước đạt gần 500 tấn, doanh thu đem lại khoảng 40 tỷ đồng, gần 30 lao động và 40 xã viên vẫn đều việc với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Có được kết quả đáng mừng này là từ việc mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với số vốn vay của Quỹ Hợp tác xã lên đến hơn 2,5 tỷ đồng, cùng hàng loạt hỗ trợ qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ thông tin: “Khi các Hợp tác xã được thành lập và gia nhập Liên minh Hợp tác xã thì có rất nhiều thuận lợi từ thành lập, tập huấn, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nguồn nhân lực”.

Ngay sau khi Nghị quyết số 13 và Luật Hợp tác xã được ban hành, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động và tổ chức hội nghị quán triệt tới các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết, luật, nghị định nhằm thực thi trong cuộc sống. Các văn bản chỉ đạo, chính sách của tỉnh cơ bản bám sát chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương mình và xu hướng phát triển hợp tác xã, từng bước tạo môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho các hợp tác xã.

Tiêu biểu trong đó là chính sách đất đai với việc tỉnh tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp được giao đất xây trụ sở, làm nhà xương không thu tiền sử dụng hay chính sách hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giai đoạn 2017-2020.

HĐND tỉnh cũng ban hành Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên, quy định chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là gần 150 tỉ đồng. Từ chính sách đã đi vào thực tế, các hợp tác xã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các hợp tác xã phi nông nghiệp.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 4.500 tổ hợp tác thì có trên 3.000 tổ hợp tác phi nông nghiệp với cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng trên 88,5%. Đã có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới đi vào hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực: dịch vụ, tín dụng và công nghiệp xây dựng.

Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Nhân dân Yên Minh, thị xã Phổ Yên cho rằng: “Qũy ra đời đã tạo ra sức lan tỏa rất rộng. Số lượng thành viên tăng nhanh, tác động rất rộng, thay đổi nhanh, tăng hộ giàu, giảm được hộ nghèo”.

Ông Nguyễn Đức Điểm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải ô tô Tân Phú Thái Nguyên cho biết: “Được Liên minh Hợp tác xã hỗ trợ trong bồi dưỡng nên mọi người được nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo, có thêm định hướng mới để phát triển”.

Toàn tỉnh có hơn 630 hợp tác xã hoạt động với trên 42.500 thành viên. Tổng số doanh thu của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là trên 3.100 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 37 nghìn lao động. Mục tiêu tới năm 2025, tỉnh Thái Nguyên hàng năm sẽ thành lập mới trên 100 hợp tác xã, phát triển thêm 5 liên hiệp hợp tác xã với tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt trên 65%, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong hợp tác xã hằng năm tăng từ 10% trở lên.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên nói về phương hướng phát triển trong thời gian tới: “Tiếp tục thành lập các hợp tác xã có chất lượng cao, nâng cao năng lực nhận thức cho họ, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, mở rộng nguồn quỹ hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025”.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới để tạo ra liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung. Tỉnh sẽ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư cho kinh tế tập thể, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút nguồn đầu tư, đối thoại với các thành phần kinh tế tập thể để tìm ra vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ kịp thời cho các hợp tác xã trong quá trình phát triển sản xuất”.

Cùng với hỗ trợ của các cấp, ngành, các hợp tác xã cũng phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên trong hợp tác xã, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế thị trường, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.