Phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị
Thu hoạch sản phẩm na La Hiên.

Thành lập từ tháng 3/2020, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương coi vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu sống còn của đơn vị, thu hút 8 thành viên tham gia nuôi chim bồ câu Pháp. Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 3000 con chim bồ câu thương phẩm với giá bán 130.000 đồng/đôi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ khó khăn cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng nên tồn đọng nhiều sản phẩm chưa bán được. Những khó khăn này cũng cho thấy việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi cần thiết để tháo gỡ những khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương chia sẻ: "Mình rất mong muốn được hệ thống cửa hàng, siêu thị tiêu thụ sản phẩm để ổn định về giá, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho HTX"

Là vùng chuyên canh cây na lớn nhất của tỉnh, hiện xã La Hiên có trên 340 ha trồng na. trong đó có trên 50ha diện tích na đạt tiêu chuẩn vietgap.Trung bình mỗi năm, nông dân trồng na thu về từ 120 đến 200 triệu đồng/năm. Nhưng quả na ở đây vẫn chủ yếu được bán qua các kênh bán lẻ với giá cả bấp bênh, không ổn định và “ Na La Hiên” vẫn chưa có mặt tại hệ thống các cửa siêu thị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ khó khăn trong tiêu thụ đối với quả Na là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là điều bà con nông dân trồng na quan tâm, trăn trở.

Ông Lê Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: "Mình đang gặp khó khăn về bảo quản sau thu hoạch vì quả na chín rất nhanh, các cấp chính quyền và ngành chức năng nếu đưa được khoa học kỹ thuật hiện đại vào khâu sau thu hoạch thì giá trị quả na sẽ tăng cao, đưa được vào hệ thống các siêu thị"

Hiện toàn tỉnh có gần 400 HTX nông nghiệp. Ðược sự quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện của các cấp, ngành trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tích cực tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ…Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chỉ có gần 100 HTX đang sản xuất theo chuỗi giá trị. Điều này đặt ra yêu cầu về tăng cường vai trò của HTX trong chuỗi giá trị khi liên kết sản xuất nông nghiệp.

Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh TN cho biết: "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các HTX gắn với chuỗi giá trị, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, tập trung vào các HTX liên kết chuỗi, gắn với các hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOOP của tỉnh"

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, việc tạo liên kết chuỗi giá trị từ các HTX nông nghiệp là điều cần thiết hiện nay. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, bản thân các HTX cũng cần nỗ lực, đổi mới phương thức kinh doanh, năng động hơn nữa trong việc liên doanh liên kết với nhân dân và các doanh nghiệp để đứng vững trên thị trường.