Công tác dân vận trong tình hình mới.
“Tổ Covid -19 cộng đồng” phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid -19 tại xã Dương Thành.

Xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, huyện Phú Bình - địa phương ghi nhận trường hợp mắc Covid -19 đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên vào ngày 20/5. 20 ngày chống dịch, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chính quyền, sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân đã ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Hơn 4 tháng kể từ sau khi kết thúc việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại xóm Phẩm 2, các chốt kiểm soát tự quản đã được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, những “tổ Covid-19 cộng đồng” vẫn được duy trì lâu dài, để nâng cao nhận thức và phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.

Ông Dương Quang Trung, Tổ Covid-19 cộng đồng, xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, huyện Phú Bình chia sẻ: "Tổ tự quản rất năng động, kể cả chưa ăn cơm xong có một trường hợp khai báo nghi nhiễm F0, thì tổ covid cộng đồng đã đến ghi danh sách những người nghi là F2, F3".

Chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các tổ Covid-19 cộng đồng vẫn đều đặn xuống từng hộ dân, để tuyên truyền, vận động không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là phòng dịch, các trường hợp người dân trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch đều được thống kê, kiểm soát khai báo y tế qua hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng.

Ông Dương Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Thành, Phú Bình cho biết: "Hiện tại đang có 20 tổ Covid-19 cộng đồng cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con nhân dân, đặc biệt là con em đi từ các công ty về thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh để người dân hiểu và thực hiện tốt công tác chống dịch"

Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết dịnh thành công trong phòng, chống dịch. Nhận thức đó đã giúp Thái Nguyên giữ thành trì an toàn, là vùng xanh phòng, chống dịch của cả nước. Đồng hành với chính quyền các cấp thực hiện “mục tiêu kép”, sự ủng hộ của nhân dân là yếu tố quan trọng để nhiều địa phương thực hiện mục tiêu lớn. Để trở thành thành phố vào trước năm 2025, trong giai đoạn 2021 - 2023, thị xã Phổ Yên dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 75 công trình hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã được giải quyết khi nhân dân hiểu, tin tưởng và chia sẻ với chính quyền.

Ông Lê Trung Đình, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Phổ Yên cho biết: "Khi các chủ trương của đảng đưa ra thì hệ thống dân vận các cấp đều xây dựng chương trình, kế hoạch rất cụ thể, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, kết quả là 98,8% cử tri đồng tình, ủng hộ"

Còn ở thành phố Thái Nguyên, để trở thành 1 trong 3 đô thị thông minh theo Nghị quyết 01 về chuyển đổi số của BCH Đảng bộ tỉnh, thành phố Thái Nguyên cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Nhân dân vừa là trung tâm phục vụ vừa là chủ thể thực hiện, đến nay 100% thủ tục hành chính công mức độ3, 4 đã mang lại kết quả thiết thực trong việc thay đổi nhận thức của người dân.

Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Để người dân phối hợp thì chính quyền có sự hướng dẫn, tuyên truyền hết sức thấu đáo, một cái quan trọng nữa là đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên môi trường mạng đảm bảo công khai, minh bạch"

Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong toàn hệ thống chính trị, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho sự phát triển của địa phương, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang duy trì hoạt động của trên 1.900 mô hình “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực (xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh). Hệ thống dân vận cơ sở được củng cố và tăng cường sẽ góp phần quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.