Phát huy hiệu quả hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở
Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã bàn giao các thiết chế văn hóa, thể thao cho 20 xã và 106 xóm trên địa bàn toàn tỉnh.

Là một trong những điểm sáng về phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở, thị xã Phổ Yên đã luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất văn hoá, thể thao theo quy hoạch và đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, 100% các xóm, khu dân cư có nhà văn hoá xóm hoặc liên xóm đảm bảo đạt chuẩn. Từ 2010 đến nay, tổng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thể thao của thị xã là trên 190 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 70 tỷ đồng. Nhờ đó, mạng lưới nhà văn hóa, khu thể thao từ thị xã đến cơ sở hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư.

Ông Trần Xuân Đức, Trưởng xóm Hắng, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên cho biết: “Để xây dựng các công trình như nhà văn hóa, các khuôn viên vui chơi thì người dân vào cuộc rất nhanh và rất tích cực đóng góp ngày công”.

Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên khẳng định: “Bà con nhân dân các tổ dân phố, xóm trên toàn địa bàn đã chủ động quản lý, khai thác và nhà nước đóng vai trò là quản lý, hỗ trợ, giám sát và đồng thời phối hợp với bà con nhân dân khai thác một cách hiệu quả nhất để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân trên toàn thị xã”.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 101 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn theo quy định; hơn 1.000 nhà văn hóa xóm được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tỷ lệ thu hút nhân dân đến tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các buổi sinh hoạt cộng đồng khác đạt trên 60%.

Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã bàn giao các thiết chế văn hóa, thể thao cho 20 xã và 106 xóm trong toàn tỉnh. Việc hỗ trợ các trang thiết bị trên góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phục vụ các sự kiện chính trị; nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương.

Phát huy hiệu quả hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở
Tỷ lệ thu hút nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các buổi sinh hoạt cộng đồng đạt trên 60%

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình vui mừng cho biết: “Đây là nguồn quan tâm hết sức thiết thực để bổ sung vào các thiết chế văn hóa, giữ giữ bản sắc văn hóa vùng miền, đặc biệt là văn hóa của người dân tộc”.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, thiết chế văn hóa được xây dựng từ khá lâu nên quy mô nhỏ, trang thiết bị còn thiếu; việc khai thác, quản lý, sử dụng của một số thiết chế văn hóa vẫn phát huy hết công năng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tới đây, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để có những cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn. Đặc biệt là hỗ trợ những trang thiết bị cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn chỉ đạo đối với các địa phương thực hiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa”.

Có thể thấy, từ khi các thiết chế văn hóa được đầu tư và vận hành đúng mục đích đã giúp cho các câu lạc bộ văn hóa, thể thao ra đời, qua đó phát huy tác dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân đủ mọi lứa tuổi. Góp phần làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Từ đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.