Phát huy giá trị văn hóa với khát vọng xây dựng Thái Nguyên phát triển bền vững
![]() |
Phát huy giá trị văn hóa với khát vọng xây dựng Thái Nguyên phát triển bền vững |
80 năm trước, giữa lúc tình thế và thời cơ cách mạng giải phóng dân tộc đang dần chín muồi, khí thế đấu tranh chống sự đàn áp của thực dân Pháp của quần chúng đang dâng cao, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nguyên tắc cơ bản đã góp phần làm sáng tỏ con đường đấu tranh cách mạng, như “ngọn đuốc soi đường” làm thức tỉnh tinh thần của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức để đến với cách mạng, tạo nên sức mạnh đoàn kết ý chí, đưa phong trào cách mạng Thái Nguyên phát triển nhanh chóng, lan rộng, và giành thắng lợi.
Đồng chí Bùi Điệp, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: "Kỳ diệu này tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Bằng sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa chúng ta đã có Nhà nước công, nông đầu tiên."
Trong tiến trình phát triển của lịch sử báo chí, văn học nghệ thuật, Thái Nguyên luôn tự hào là cái nôi của nền báo chí cách mạng, văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 di tích lịch sử về lĩnh vực báo chí, là nơi thành lập, hoạt động đầu tiên của một số cơ quan báo chí Trung ương. Tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam cùng nhiều cơ quan văn hóa văn nghệ của Trung ương. Tại đây, những văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước đã ở và làm việc, đã kiến thiết một nền văn nghệ cách mạng với những giá trị tinh thần căn bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh về những sáng tác thơ ca tiêu biểu ra đời trên mảnh đất Thái Nguyên cho biết: "Rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng đã về sống và làm việc tại Thái Nguyên như Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu... với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời."
Bước vào những năm đổi mới, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới; các quan điểm, nhận thức, chỉ đạo về văn hóa trong phát triển đất nước đã được khẳng định trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và được chỉ đạo triển khai đồng bộ để xây dựng, phát triển văn hóa, con người một cách toàn diện.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của thế hệ đi trước, Thái Nguyên luôn triển khai thực hiện phát triển đồng bộ 4 trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa con người Thái Nguyên. Phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa, trong đó bao gồm nguồn lực về con người, tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế."
Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và nhu cầu của nhân dân, giữ gìn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, quan tâm việc định hướng tư tưởng, động viên, khuyến khích các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong xã hội, đóng góp vào việc xây dựng văn hoá con người Thái Nguyên với những giá trị đạo đức tốt đẹp làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nhà văn Hồ Thủy Giang, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Từ sau khi Hội được thành lập thì một loạt các tác giả xuất hiện thể hiện sử lớn mạnh của đội ngũ văn, nghệ sỹ. Và trong 10 năm nay, đã có hơn 10 tác phẩm tiểu thuyết viết về lịch sử tỉnh Thái Nguyên và có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa người dân."
Những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được trong những năm qua đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang bản sắc quê hương Thái Nguyên và dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, là tiền đề để xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện như mục tiêu căn bản trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.