phat dong huong ung ngay nong nghiep huu co chau a lan thu nhat
Toàn cảnh buổi lễ phát động. Ảnh: Bá Hoàng

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, ở nước ta, từ những năm 60 trở về trước đều sử dụng hình thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo quy luật phát triển về dân số và các cuộc cách mạng công nghiệp, nền sản xuất nông nghiệp hơn nửa thế kỷ qua chỉ tập trung sử dụng các nguyên liệu đầu vào hóa chất tổng hợp, dẫn đến mặt trái của sản xuất nông nghiệp, đó là: đất bị thoái hóa nghiêm trọng, môi trường ô nhiễm, người sản xuất lẫn người tiêu dùng ngày càng gia tăng các vụ ngộ độc từ thức ăn hàng ngày không an toàn, bệnh hiểm nghèo tăng chưa có điểm dừng… Chính vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả cho đơn vị sản xuất, mà còn phát huy giá trị nhân văn, đóng góp cho nền kinh tế phát triển xanh, bền vững, để lại cho thế hệ mai sau một trái đất xanh, sạch, đầy sức sống…

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ, chè an toàn để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực như: Chè, lúa gạo, rau, cây ăn quả, lợn gà…tổ chức liên kết cung cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Thái Nguyên năm 2017 để tạo đầu ra cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, đẩy mạnh quản lý về chất lượng. UBND tỉnh Thái Nguyên rất mong sự hợp tác trong nước và quốc tế, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Ban, Bộ, Ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học.

phat dong huong ung ngay nong nghiep huu co chau a lan thu nhat

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trao Thẻ hội viên cho 14 cá nhân và tổ chức tại buổi lễ. Ảnh: Bá Hoàng

Năm 1998, Hội làm vườn Việt Nam cùng Tổ chức ORION (Thụy Điển) và tổ chức CIDSE đã thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là mô hình sản xuất hữu cơ sớm nhất của Việt Nam. Từ đó đến nay, cả nước đã có 30 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng, giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ. Nhiều đơn vị, cá nhân và các địa phương đã có nhận thức đúng đắn về vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe, hiệu quả sản xuất của nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với xu thế tất yếu của các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức về an ninh lương thực, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát, quản lý, quy mô hiệu quả sản xuất, môi trường… Việt Nam là một nước nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Đây là một thách thức trong phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các nước đang phát triển trên thế giới. Quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian khá dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ…

Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển tất yếu và bền vững, tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã đề nghị các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tại mỗi địa phương, trong đó chú ý đến quy hoạch xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Mỗi địa phương, đơn vị, hộ dân cần thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng thực hiện theo Tiêu chuẩn sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ. Lồng ghép có kết quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội như Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững… để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, xây dựng chính sách và xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

phat dong huong ung ngay nong nghiep huu co chau a lan thu nhat
Gian hàng trưng bày các sản phẩm hữu cơ

Tại buổi lễ đã có 27 gian hàng trưng bày sản phẩm hữu cơ và sản phẩm an toàn của các tỉnh và doanh nghiệp đến tham gia buổi lễ. Qua đây sẽ giúp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp biết đến với các sản phẩm bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe, hiệu quả sản xuất của nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với xu thế tất yếu của các nước phát triển trên thế giới./.