Trong dòng chảy lịch sử, di sản kiến trúc Thái Nguyên còn lại gồm: di tích xưa, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, kiến trúc truyền thống và di sản kiến trúc đô thị. Với quan điểm, các di sản kiến trúc tiêu biểu là thông điệp của ngày hôm qua, là điểm đến của ngày hôm nay Thái Nguyên đã giữ gìn và khai thác để làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.

Phát huy giá trị di sản kiến trúc vì sự phát triển bền vững của tương lai
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam- 1 trong 7 bảo tàng quốc gia của Việt Nam

Thực hiện đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 đã nhấn mạnh: “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết, phải ưu tiên vấn đề nhà ở tại thôn quê.” Thái Nguyên lấy bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa là điểm tựa vững chắc trong quá trình tiếp thu những yếu tố mới. Nằm trong top những bảo tàng quan trọng và nổi bật nhất ở Việt Nam, Bảo tàng văn hóa các dân tộc là 1 địa chỉ di sản kiến trúc độc đáo.

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: "Kiến trúc công trình của Bảo tàng do cố kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế và công trình này rất vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện nay vẫn giữ nguyên những hoa văn, kiến trúc của cố kiến trúc sư, nổi bật nhất là hoa văn 8 cánh để thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc"

Chọn du lịch là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn, kết hợp khai thác di sản kiến trúc, Thái Nguyên còn đặc biệt coi trọng việc phục dựng. Nổi bật là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và gần đây nhất là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Thông qua tái hiện và lưu giữ, các di sản kiến trúc này đã truyền tải thông điệp lịch sử và giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chị Lê Thị Nga, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, TP Thái Nguyên nói về ngôi làng đặc biệt này: "Trưởng làng là bà Nguyễn Thị Thanh Hải, bà về đây và gây dựng nên ngôi làng này. Trước đó, bà lên vùng ATK Định Hóa, Thái Nguyên vận động bà con và mua lại được 30 ngôi nhà sàn truyền thống có tuổi đời 70 đến 80 năm và chuyển về xóm Cường, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên này, phục dựng lại nguyên bản những ngôi nhà sàn truyền thống".

Cùng với vẻ đẹp của kiến trúc bản địa, trải qua gần bảy thập niên đô thị hóa, diện mạo đô thị Thái Nguyên đã thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được phê duyệt sẽ góp phần phát huy giá trị văn hóa cùng di sản kiến trúc hướng tới mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, “xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”.

Phát huy giá trị di sản kiến trúc vì sự phát triển bền vững của tương lai
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa tại thôn Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

PGS. TS Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: "Trong quy hoạch tỉnh thì lĩnh vực về văn hóa xã hội là hết sức quan trọng, có thể sắp xếp ngang hàng với vấn đề kinh tế. Trong nội dung của quy hoạch tỉnh thì chúng ta phải xác định rõ chăm lo sự phát triển văn hóa đối với các địa phương, làm sao người dân có thể cảm nhận thấy cuộc sống bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện, phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, những di sản vật thể và phi vật thể nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt để phát triển du lịch, đầu tư một cách tập trung và cương quyết để hoàn thiện kết cấu hạ tầng về văn hóa và thể thao".

Tuy nhiên, để quy hoạch tổng thể phát huy được hết sức mạnh nội sinh thì việc quy hoạch vùng văn hóa trong đó có di sản kiến trúc của Thái Nguyên cần được sớm thực hiện đồng bộ.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: "Chúng ta phải phân vùng văn hóa. Ví dụ khu vực dân cư phía Bắc có những giá trị kiến trúc như ngôi nhà sàn của các dân tộc thì chúng ta lấy đó là trọng tậm, phía Nam cũng vậy. Khi đô thị hóa, hiện đại hóa, cấu trúc làng quê sinh thái sẽ dần biến mất, nếu chúng ta không có trách nhiệm,không quan tâm, bảo tồn thì chúng ta sẽ mất đi giá trị mà trong tương lai không có được"

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, với tâm huyết của những người làn kiến trúc và toàn xã hội, từ đây, chúng ta sẽ không bỏ lỡ những di sản văn hóa nằm trong "vùng mờ" chưa được định danh, sẽ không bỏ lỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử không thể lấy lại lần nữa. Mà điều quan trọng là Thái Nguyên sẽ chọn được cách ứng xử phù hợp để cân bằng giữa nhu cầu phát triển, đổi mới với nhu cầu gìn giữ, bảo tồn, để từ đó kiến trúc hoàn chỉnh tốt sứ mệnh của mình là bảo vệ những giá trị tốt đẹp./.