Cuốn sách "Paris + 14" của tác giả Cù Thu Hương - một người con của Thái Nguyên

Từ những trải nghiệm đặc biệt trong đại dịch COVID-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin chị thu nhận được trong 14 ngày cách ly. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí lo lắng, hoảng sợ… đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại, đôi chỗ khiến độc giả cảm động đến phát khóc.

Tác giả Cù Thu Hương chia sẻ: “Khi bắt đầu viết cuốn sách này là khi đó mình đang ngồi trên chuyến bay thương mại cuối cùng từ Pháp về Việt Nam trước khi đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19. Trên máy bay mình đã viết những dòng cảm xúc, mới đầu là hoang mang, lo lắng, sau đó là sự tĩnh tâm lại. Cuối cùng là sự yêu thương, trìu mến. Đúng là chỉ có về với quê hương, về với mẹ thì mới cảm thấy sự bình yên”.

Tác giả Cù Thu Hương (áo trắng) giữa bạn bè trong một ngày trở lại thăm trường cũ (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)

Kể từ khi trở về từ Paris và sau 14 ngày cách ly, tác giả Cù Thu Hương đã thực hiện rất nhiều dự án thiện nguyện, lan tỏa những hành động nhân văn trong cộng đồng. Chị cũng dành những ngày cuối năm để thăm hỏi bạn bè, trở lại ngôi trường xưa và trao tặng cuốn sách "Paris + 14", một cuốn sách ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt.

Bà Nguyễn Minh Loan, Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội nhận xét: “Cuốn sách này vô cùng ý nghĩa trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới. Đây cũng là một cách tuyên truyền cho các cháu, các em và cộng đồng về sự nguy hiểm của đại dịch. Tôi mong muốn cuốn sách này được phổ biến rộng hơn nữa”.

Những người từng chứng kiến sự trưởng thành của tác giả Cù Thu Hương, sau nhiều năm gặp lại và đọc những câu chuyện trong cuốn sách "Paris + 14" cũng dành cho chị những lời ái mộ và đồng cảm hết sức chân thành.

PGS.TS Nguyễn Hằng Phương, nguyên Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Khi đọc trang viết trên facebook của tác giả Cù Thu Hương thì chúng tôi thật sự xúc động. Có lúc mình lại cảm thấy rất tự hào và thương, khâm phục tác giả”.

Cuốn sách "Paris + 14" mới ra mắt được gần 1 tháng, nhưng từ những ngày thai nghén đã đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc. Những câu chuyện trong cuốn sách, cho chúng ta thấy câu chuyện của tác giả - một người vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của dịch COVID-19. Lối viết chân thực, rất rung động, toát lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong khó khăn. Sự chia sẻ, yêu thương, đùm bọc nhau ở khắp nơi, đặc biệt là ở nơi cách ly. Chính vì vậy, cuốn sách viết về đại dịch COVID-19, nhưng lại gửi thông điệp cho độc giả về con người, về số phận, về tình yêu thiên nhiên, về dân tộc Việt Nam.

Và cuối cùng chúng tôi xin trích dẫn lại một trích đoạn trong cuốn sách để khép lại bài viết nhỏ này: “Cuộc sống vẫn đang tiếp tục. Làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID lại ập tới. Cả nước lại bắt tay thật chặt bàn tay kết đoàn. Đó chính là sức mạnh vĩnh cửu của Việt Nam để tiếp tục thế trận chiến đấu để chiến thắng trên mọi mặt trận, mọi miền, tỉnh thành, thôn quê với tuyên ngôn giản dị, mộc mạc của cuộc sống. Từ đây, người biết quê người, từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người”...