OCOP 5 sao - Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương
Từ khi sản phẩm miến dong của HTX Miến Việt Cường được công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, có thời điểm, hợp tác xã rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Trước đây, khi chưa tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX Miến Việt Cường ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Từ khi sản phẩm miến dong của đơn vị được công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, có thời điểm, hợp tác xã rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Với những lợi thế đó, sản phẩm đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường lớn, tiềm năng. Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường chia sẻ: "Việc đạt được OCOP 5 sao như một giấy thông hành, khách hàng rất tin tưởng".

OCOP 5 sao - Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương
Ngay từ khi tham gia Chương trình OCOP, Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Sau nhiều năm gắn bó với cây chè, các thành viên HTX Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm chè Tân Cương. Với hơn 6ha trồng chè và các hộ liên kết là hơn 40ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX là 1 trong 2 đơn vị có sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao của trung ương. Chất lượng và số lượng của sản phẩm ngày càng được quan tâm đầu tư và có sự thay đổi rõ rệt.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt cho hay: "Việc đạt chứng nhận OCOP 5 sao, tầm phát triển và sự tin tưởng của khách hàng, niềm tin của bà con đối với HTX tốt hơn".

Khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đều hướng sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, để từ đó thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Người sản xuất mong muốn, sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái cho biết: "Để đạt được sản phẩm 5 sao bao gồm tất cả từ vùng nguyên liệu cho đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị và con người".

Xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ khi tham gia Chương trình OCOP, Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng; hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2019-2030, Thái Nguyên phấn đấu có 10 sản phẩm OCOP 5 sao. Để nâng hạng các sản phẩm OCOP của tỉnh, Thái Nguyên sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm các điều kiện đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, các sản phẩm sẽ liên tục được hỗ trợ để nâng tầm sản phẩm, nâng hạng sao. Khi sản phẩm được công nhận thì việc nâng quy mô sản xuất, doanh số bán hàng của các sản phẩm sẽ được quan tâm".

Nhờ các giải pháp cụ thể, đồng bộ, những sản phẩm OCOP của tỉnh đến nay đã vươn xa hơn ra thị trường trong nước, kết nối được với nhiều đơn vị tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Sự nỗ lực, đồng lòng của người dân và sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn sẽ là nhân tố quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu về chương trình OCOP đã đề ra./.