Nông nghiệp Thái Nguyên trong lộ trình chuyển đổi số
Mô hình trạm quan trắc thời tiết thông minh metos phục vụ việc chăm sóc sự sinh trưởng và phát triển của cây chè Thái Nguyên

Nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực then chốt được tỉnh Thái Nguyên tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đa lĩnh vực, đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên; ứng dụng phần mềm smart tree trong quản lý cây xanh, lắp đặt một số thiết bị đo mưa và mực nước tự động; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc nông sản. Với sự trợ giúp của công nghệ, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản

Bà Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc Hợp tác xã Trà Hương Vân, TP Thái Nguyên nêu ý kiến: "Các chiến lược làm việc cũng như các khâu quảng bá sản phẩm theo nhiều luồng gồm trang web, fanpage, zalo. Với mức tiêu thụ như này phải lắng đọng lại để chờ thị trường quay trở lại mới bắt đầu tiếp tục".

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu chuỗi liên kết giá trị; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là những khó khăn trong lộ trình chuyển đổi số đối với lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Nguyên hiện nay. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề này.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên thông tin: “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ đặc biệt là với Sở thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt, là xây dựng 1 cơ sở dữ liệu chung của ngành để tích hợp các nội dung tiện ích làm tốt công tác quản lý. Thứ hai là trên cơ sở ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng một phần mềm quản lý chất lượng nông sản, thông qua đó, có giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết về định hướng thời gian tới: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp để triển khai các nội dung về chuyển đổi số tới cấp xã, lồng ghép vào chương trình phát triển nông thôn mới. Thứ hai là có các nội dung, hoạt động phát triển kinh tế số trong phát triển nông nghiệp”.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của Thái Nguyên khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để lộ trình này diễn ra thuận lợi, rất cần sự phối hợp vào cuộc của các sở, ban ngành chức năng cùng sự chủ động nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn./.