Nông nghiệp Thái Nguyên vững vàng phát triển
Diện tích chè trồng mới và trồng lại cả năm của tỉnh Thái Nguyên đạt trên 455 ha, vượt 6% kế hoạch năm.

Thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2021, ngay từ đầu năm, việc xây dựng khung thời vụ và chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện triển khai 2 vụ chính là đông – xuân và vụ mùa đã được ngành nông nghiệp tích cực triển khai. Nhờ vậy mà quá trình thâm canh trên cây lúa, cây lương thực đã tránh được những điều kiện bất lợi, thiên tai, sâu bệnh cho tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 461.000 tấn, vượt 6,1% kế hoạch.

Song song với việc đảm bảo an ninh lương thực, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật làm tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích gieo cấy lúa cũng được các địa phương quan tâm triển khai với những mô hình lúa Vietgap, hữu cơ gắn với diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa.

Bà Dương Kim Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: “Thực hiện canh tác theo hướng SRI trong những năm gần đây mang lại hiệu quả cao. Huyện Phú Bình cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện dồn điền đổi thửa thành công. Trên những diện tích này chúng tôi triển khai các giống mới có năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo các quy trình của Vietgap, hữu cơ”.

Cùng với việc đảm bảo kế hoạch, các đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng được. Trong năm 2021, hơn 560 ha cây ăn quả chủ lực (na, nhãn, bưởi) ở các địa phương của tỉnh. Diện tích chè trồng mới và trồng lại cả năm của tỉnh cũng ước đạt trên 455 ha vượt 6% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các phương án sản xuất nông nghiệp. Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện và triển khai tới các địa phương. Sự phối hợp tốt, triển khai kịp thời các phương án đúng khung thời vụ đối với các loại cây trồng nên đạt được sản lượng, chất lượng rất cao”.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Minh Vân, Thái Nguyên cho biết: “Năm vừa rồi do thiên tai bất lợi nhiều nên chúng tôi được hỗ trợ nhiều nên đảm bảo được chất lượng nông sản đưa ra thị trường với sự đồng đều, giá cả tốt hơn và được khách hàng sẵn sàng tiếp nhận”.

Nông nghiệp Thái Nguyên vững vàng phát triển

Ứng dụng công nghệ cao máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp

Trong khi sản xuất trồng trọt có những thuận lợi thì ngành chăn nuôi của Thái Nguyên lại phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh đem lại. Các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tả lợn Châu Phi lần lượt xảy ra trên đàn vật nuôi. Cùng với đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao trong khi việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Giá bán sản phẩm giảm xuống thấp làm cho người chăn nuôi tiếp tục điêu đứng. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ, động viên người chăn nuôi tăng cường tiêm phòng vắc xin, giám sát, phát hiện dịch bệnh để khoanh vùng, không để dịch lan rộng.

Cùng với đó, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cũng được chú trọng. Ngành nông nghiệp cũng đang tích cực xây dựng mô hình liên kết chuỗi, đẩy mạnh tái đàn, chăn nuôi trang trại tập trung, xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo và quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ những giải pháp quyết liệt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của Thái Nguyên vẫn đạt gần 157.000 tấn, giá trị sản xuất ngành đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm: “Chúng tôi đã thành lập những đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán giết mổ động vật, sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”.

Năm 2021 cũng là năm khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Quá trình đó thể hiện qua việc đẩy mạnhsản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGap, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến.

Quá trình đưa khoa học – công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm thể hiện rõ nét thông qua việc chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường cho biết: “Sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử tăng lên rất nhiều, ổn định trong tiêu thụ và cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi phí cho nhà sản xuất”.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên khẳng định: “Chúng tôi cũng đang giới thiệu các cơ sở đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có tiêu chuẩn Vietgap tham gia chuỗi an toàn thực phẩm,sản phẩm đó lên sàn thương mại điện tử có xuất xứ nguồn gốc đáng tin cậy, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Nông nghiệp Thái Nguyên vững vàng phát triển
Đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Cùng với những điểm nhấn nổi bật của sản xuất nông nghiệp, kết quả trồng rừng tập trung của tỉnh Thái Nguyên cũng đạt gần 4.500 ha, vượt 11,8% kế hoạch. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Toàn tỉnh có thêm 7 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 53 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá, xếp hạng OCOP, 7 sản phẩm được tham gia xếp hạng OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Những con số ấn tượng trên thể hiện rõ vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp là trụ đỡ khi nền kinh tế gặp phải những khó khăn do dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trước những khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp và có những kịch bản tăng trưởng gắn với từng tình huống diễn biến thực tế của dịch COVID-19. Trong đó, tập trung phối hợp diễn tập với các sở, ngành của tỉnh, các địa phương để tập trung hỗ trợ cho sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản trên địa bàn. Tập trung hỗ trợ cho nhiều đề án, trọng tâm là đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; Đề án”Phát triển các sản phẩm OCOP” gắn với phát triển tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, tập trung hỗ trợ, xây dựng các thương hiệu nông sản để quảng bá, đáp ứng yêu cầu phục vụ tiêu dùng trên địa bàn, trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi đã phối hợp tốt với sở Thông tin và Truyền thông, sở Công thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Sang năm 2022 ngành sẽ tập trung thực hiện nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, các đề án quan trọng khác và chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình đó chúng tôi phải làm tốt công tác phối hợp để đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng một nền “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”. Từ câu chuyện “trụ đỡ” của nền kinh tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được định hình một đích đến, một sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững theo hướng sinht hái. Nông nghiệp đã, đang và sẽ được coi là quan trọng không chỉ trong lúc kinh tế đất nước khó khăn mà ngay cả khi đất nước phát triển.